Để điều trị phục hồi chức năng và thẩm mỹ cho bộ răng của trẻ phải tốn nhiều thời gian, chi phí và cần sự hợp tác tốt giữa bác sĩ với bệnh nhân cũng như gia đình. Điều này lại không dễ đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
Nhiều nguy cơ
Như Tuổi Trẻ ngày 5/3 đã thông tin, ngày 26/2 BV Nhi Đồng 1, TP.HCM đã nội soi gắp thành công dị vật là một cây kim chữa tủy răng dài 4,5cm ra khỏi tá tràng – dạ dày bệnh nhi N.H.T. (4 tuổi, Long An).
Theo người nhà bệnh nhi, trong lúc bé T. đang được nha sĩ lấy tủy răng thì vì quá mỏi miệng nên bé đã ngậm miệng lại và nuốt luôn cây kim vào bụng.
Trước đó, vào ngày 2/12/2013 ở TP Hải Phòng cũng xảy ra trường hợp tương tự. Bệnh nhi là bé N.T.M. (3 tuổi, Hải Phòng) nuốt phải cây kim chữa tủy răng dài 2,5cm khi chữa răng tại một cơ sở nha khoa tư nhân.
Bé M. được người nhà đưa đến BV Trẻ em, TP Hải Phòng khám vì có biểu hiện đau bụng, nôn nhiều. Bệnh viện này đã chuyển bệnh nhi ra Bệnh viện Nhi trung ương, Hà Nội phẫu thuật cấp cứu.
“Việc áp đặt điều trị, không chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi làm răng là hoàn toàn không nên vì dễ gây ra những tai nạn ngoài ý muốn do trẻ không hợp tác. Đồng thời có thể gây những tổn thương tâm lý cho trẻ đến suốt cuộc đời”. BS Lâm Thị Yến Hương
Theo BS Yến Hương, tùy mức độ sâu răng của trẻ mà bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị khác nhau như bôi thuốc ngừa sâu răng, trám răng với các loại vật liệu có khả năng phòng ngừa sâu răng tái phát.
Nếu sâu răng lan đến tủy thì phải lấy tủy hoặc khi sâu răng gây nhiễm trùng lan rộng thì phải nhổ răng.
Dù điều trị răng miệng cho trẻ bằng phương pháp nào cũng đều tiềm ẩn những nguy cơ gây nguy hiểm cho trẻ, nhất là với trẻ quá nhỏ hoặc trẻ không chịu hợp tác.
Nguy cơ gây nguy hiểm cho trẻ khi làm răng ở cơ sở nha khoa có thể gặp như việc trám các răng sâu nhẹ, bác sĩ sẽ dùng một dụng cụ quay (có mũi khoan) để lấy các phần mô răng bị hư do sâu răng trước khi trám.
Dụng cụ này có vận tốc quay lớn nên có thể gây tổn thương niêm mạc miệng của trẻ – nếu bác sĩ và điều dưỡng không quản lý trẻ tốt, nhất là những trẻ đang quấy khóc.
Với các trường hợp sâu răng đã lan đến tủy, việc điều trị còn khó hơn. Bác sĩ phải dùng các dụng cụ nhỏ như trâm gai, trâm dũa, dụng cụ quay… để lấy tủy răng.
Trong mỗi thao tác bác sĩ phải luôn cẩn thận, nếu không dụng cụ rất dễ rơi vào thực quản hoặc khí quản của trẻ. Vì vậy, cách điều trị này chỉ được thực hiện cho những trẻ chịu hợp tác với bác sĩ.
Đặc biệt, phần lớn trẻ đều rất sợ kim nên khi nhổ răng cho trẻ, chích là vấn đề khó khăn nhất. Nếu trẻ giãy giụa có thể làm gãy kim trong niêm mạc miệng. Để lấy đoạn kim bị gãy này ra, trẻ phải được phẫu thuật (có gây mê) trong phòng mổ bởi bác sĩ giàu kinh nghiệm.
Phải thân thiện với trẻ
Nhằm hạn chế những tai nạn không mong muốn, bác sĩ Yến Hương khuyên phụ huynh cần tìm một bác sĩ nha khoa có chuyên môn lẫn kinh nghiệm về điều trị răng miệng trẻ em.
Bác sĩ điều trị răng cho trẻ em có kinh nghiệm còn hiểu được tâm lý bệnh nhi, dễ thông cảm với nỗi lo sợ của trẻ, có thái độ cư xử phù hợp nhất với từng trẻ.
Về chuyên môn, để tránh những tai nạn đáng tiếc cho trẻ, khi có điều kiện bác sĩ nên đặt đê cao su trong miệng trẻ để ngăn không cho dụng cụ rơi vào cổ bệnh nhi.
Việc đặt đê cao su có thể phát sinh thêm chi phí điều trị nhưng so với việc bảo đảm an toàn cho trẻ thì vẫn nên thực hiện.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Yến Hương, với những trẻ hay lo sợ và chống đối không chịu hợp tác, bác sĩ rất cần sự hỗ trợ của phụ huynh, như cha mẹ sẽ giải thích cho trẻ hiểu vì sao phải điều trị răng và việc điều trị sẽ diễn ra thế nào.
Chỉ khi trẻ ổn định được tinh thần, sẵn sàng lắng nghe, bác sĩ mới tiến hành điều trị, việc này giúp giảm thiểu được rủi ro trong quá trình điều trị răng miệng cho trẻ.
Trường hợp đã giải thích, thuyết phục nhiều lần mà trẻ vẫn không hợp tác, bác sĩ có thể bàn với phụ huynh việc hỗ trợ giữ trẻ để điều trị sao cho an toàn nhất, hoặc sử dụng các biện pháp khác như cho trẻ sử dụng thuốc an thần…
Đôi khi vì không có thời gian, nhiều phụ huynh và cả bác sĩ đã chọn biện pháp làm áp lực, buộc trẻ phải chấp nhận điều trị ngay trong lần khám đầu tiên trong khi trẻ vẫn chưa được chuẩn bị tâm lý đầy đủ.
Chưa kể có những phụ huynh nôn nóng, chỉ muốn con mình được điều trị răng thật nhanh nên khi thấy bác sĩ trò chuyện, hỏi thăm trẻ lại sốt ruột giục bác sĩ làm ngay mà không hiểu đây là cách bác sĩ “dụ” trẻ hợp tác với mình!