Các nhà nghiên cứu cho biết họ vẫn chưa rõ mức độ ảnh hưởng của việc cha mẹ sử dụng điện thoại thông minh đến sự phát triển của trẻ, và liệu rằng ảnh hưởng đó có phải là ảnh hưởng tiêu cực, tích cực hay không rõ ràng.
Trẻ tìm cách gây chú ý vì người lớn mê mải điện thoại
Để quan sát cách bố mẹ sử dụng điện thoại lúc ăn uống cùng con, cuối mùa hè 2013, Radesky và các cộng sự đã đến một cửa hàng thức ăn nhanh khu vực Boston để quan sát 55 nhóm (có ít nhất một người lớn với một hoặc nhiều trẻ nhỏ dưới 10 tuổi) và phát hiện ra rằng có nhiều bậc cha mẹ bận rộn với điện thoại của họ trong bữa ăn.
Trong đó, 6 người lớn dường như hoàn toàn chìm đắm vào điện thoại, sử dụng liên tục bàn phím, lướt màn hình.., kể cả khi ăn và nói. 9 người lớn khác sử dụng điện thoại lúc này lúc khác, và sau đó họ đặt chúng ra chỗ khác và chú ý tới trẻ. Còn lại dùng điện thoại ở vài thời điểm trong bữa ăn và 1 vài người không có vẻ gì là sẽ dùng tới.
Trong khi người lớn sử dụng điện thoại, các đứa trẻ đang trong tuổi đi học bận rộn ăn uống, nói chuyện với đứa trẻ khác hoặc chơi với đồ chơi được tặng kèm trong suất ăn, và dường như không quan tâm xem người lớn đang bận rộn chơi với thiết bị, đặc biệt là trong một khoảng thời gian ngắn.
Khi người giữ trẻ hoàn toàn đắm chìm với chiếc điện thoại, một vài đứa trẻ dường như chấp nhận điều đó. Tuy nhiên, nhiều đứa trẻ khác bắt đầu hành động để mong nhận được sự chú ý từ người giữ trẻ.
Một số người giữ trẻ dường như lờ đi các hành vi của trẻ khi bé gây sự chú ý và sau đó mắng trẻ, một vài người thậm chí còn mắng mà không thèm nhìn.
Trẻ cần được chú ý mỗi ngày!
Các nhà nghiên cứu cho biết họ vẫn chưa rõ mức độ ảnh hưởng của việc cha mẹ sử dụng điện thoại thông minh đến sự phát triển của trẻ, và liệu rằng ảnh hưởng đó có phải là ảnh hưởng tiêu cực, tích cực hay không rõ ràng.
“Về cơ bản, điều này có thể ảnh hưởng tới vốn từ của trẻ,” dẫn lời Tiến sĩ Rahil Briggs, giám đốc của Trung tâm Y Tế Montefiore thành phố New York về dịch vụ sức khỏe hành vi của trẻ.
Theo TS, bữa tối là thời điểm quan trọng để trò chuyện, và nếu bạn bận rộn với điện thoại mà thiếu đi sự giao tiếp, thì đây hẳn là một điều mất mát. Các kĩ năng xã hội và kĩ năng kiểm soát cảm xúc của trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng nếu cha mẹ dành quá nhiều thời gian nhìn vào điện thoại và các phương tiện điện tử khác.
“Điều thực sự làm tôi lo lắng là việc những đứa trẻ chấp nhận tình trạng này. Điều đó có vẻ như chúng đã bỏ cuộc”, tiến sĩ Briggs nhấn mạnh, dù cô không tham gia nghiên cứu.
“Trẻ em cần nhận được sự chú ý của bạn mỗi ngày. Tốt hơn hết, bạn cần chú ý tới trẻ theo cách tích cực nhất, nếu không trẻ sẽ cố gây sự chú ý theo một cách tiêu cực”, dẫn lời TS Briggs.
Tuy nhiên, TS Radesky và TS Briggs cũng đồng ý rằng sử dụng điện thoại thông minh không hoàn toàn là xấu. Chia sẻ các ứng dụng và trò chơi với trẻ có thể là một cách kết nối giữa ba mẹ và bé. Bởi lẽ điện thoại thông minh chắc chắn sẽ không biến mất ngay lập tức.
“Chúng là một công cụ hữu hiệu. Cái chúng ta cần là xây dựng lời khuyên đúng đắn cho cha mẹ để có cách thức tốt nhất trong việc sử dụng chúng”, dẫn lời TS Radesky. Ba mẹ cần tạo ra quãng nghỉ với thiết bị điện tử để dành thời gian cho con cái.
Lời khuyên của TS Briggs là một phương thức tiếp cận cân bằng. “Thứ mà tôi có được từ nghiên cứu là ba mẹ cần sử dụng công nghệ có chừng mực trước con cái”, cô bổ sung.