Liên tiếp hai vụ bắt cóc trẻ em xảy ra tại TP.HCM trong 3 tháng đầu năm 2014 đang khiến dư luận hết sức bất an. Hai trẻ sơ sinh bị bắt cóc tại Bệnh viện quận 7 và Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) cho thấy nhiều lỗ hổng trong khâu kiểm soát an ninh tại các bệnh viện. Nhiều gia đình có con, em đến bệnh viện hạ sinh bắt đầu cảm thấy lo lắng…
Chỗ chặt, chỗ không
Chiều 20/3 trước cổng Bệnh viện phụ sản Từ Dũ (quận 1) luôn tấp nập người ra vào. Tại cổng, có ba nhân viên bảo vệ ngồi túc trực để kiểm tra. Lúc này, một thanh niên điều khiển xe máy chở phụ nữ trên tay bồng trẻ sơ sinh ra cổng. Khi vừa ra đến, một bảo vệ yêu cầu dừng lại kiểm tra giấy tờ. Sau chừng 3 phút kiểm tra giấy tờ hợp lệ, người này được ra khỏi cổng.
5 phút sau, một gia đình đi trên xe taxi, trên xe cũng có một trẻ sơ sinh. Để được ra bên ngoài, người nhà phải đưa cho bảo vệ kiểm tra các giấy tờ liên quan đến trẻ sơ sinh (giấy chứng sinh, giấy xuất viện…). Tuy nhiên, bảo vệ chỉ ngồi kiểm tra mà không nhìn vào bên trong xe taxi có mấy trẻ sơ sinh.
Chị Hương (trú tại huyện Hóc Môn), có con gái sinh tại bệnh viện Từ Dũ tỏ ra không yên tâm, nói: “Việc bảo vệ kiểm tra như vậy là chưa đảm bảo. Biết đâu, có kẻ xấu sau khi sinh con, muốn bắt thêm con người khác giấu vào trong xe taxi đưa ra ngoài thì làm sao? Bảo vệ phải vào, kiểm tra trong xe taxi có bao nhiêu trẻ theo giấy tờ mới yên tâm chứ”.
Cũng trong thời gian này, theo ghi nhận nhiều trẻ sơ sinh được đưa ra khỏi bệnh viện bằng phương tiện xe taxi nhưng bảo vệ tại đây cũng chỉ ngồi kiểm tra, không quan sát trong xe có mấy trẻ.
Cũng trong chiều 20/3, tại bệnh viện quận Bình Tân người ra vào tấp nập. Phía cổng bệnh viện có 2 bảo vệ túc trực. Nhiều trẻ sơ sinh được đưa ra khỏi bệnh viện nhưng không được bảo vệ kiểm tra. Phía bên trong khoa hậu sản, cửa phòng mở toan, nhiều thai phụ nằm ngủ bên cạnh là trẻ sơ sinh. Trong khi đó có một số người bán vé số dạo đi vào bệnh viện mời khách mua.
Để “thử” việc kiểm soát trẻ sơ sinh, phóng viên mang túi xách và quần áo lỉnh khỉnh vào cổng của bệnh viện Bình Tân (giỏ xách có thể đựng một trẻ sơ sinh trong đó). Qua khỏi cổng, tôi đi dọc một số khoa của bệnh viên rồi đi tới khoa sản. Sau đó, lấy khăn quấn bỏ vào giỏ xách (như đang quấn khăn trẻ sơ sinh) đi ra cổng, rồi qua khỏi cổng bệnh viện nhưng không có bảo vệ hay nhân viên nào hỏi thăm, kiểm tra.
Cũng trong ngày 20/3, chúng tôi hai lần thực hiện động tác trên tại bệnh viện huyện Bình Chánh nhưng không có ai kiểm tra. Một người nhà của thai phụ tại đây cho biết: “Mình có con, có cháu thì lo giữ chứ bệnh viện đông người, bảo vệ sao kiểm tra hết. Gần đây, thấy mấy vụ bắt cóc trẻ sơ sinh mà tôi thấy bất an ở bệnh viện quá. Có bảo vệ ở cổng kiểm soát thì một số đối tượng sau khi bắt trẻ sơ sinh không đi ra cổng chính mà lại chuyền qua hàng rao bên ngoài có đồng bọn đợi sẵn. Như vậy thì ai kiểm tra được chứ”, chị này lo lắng.
Bệnh viện thừa nhận lỗ hổng công tác an ninh
Sau vụ trẻ bị bắt cóc tại bệnh tại Bệnh viện phụ sản Hùng Vương, an ninh tại bệnh viện này đã đước chú tâm, nhưng công tác kiểm tra vẫn còn nhiều chỗ lỗ hổng. Tại cổng chính và phụ của bệnh viện có bảo vệ túc trực kiểm tra. Bảo vệ kiểm tra giấy tờ người bồng trẻ sơ sinh, các túi xách, tư trang… nhưng những người không bồng trẻ sơ sinh mà có mang túi xách, vẫn ra ngoài bình thường. Trong khi đó một số trường hợp bồng trẻ nhỏ vài tháng tuổi đến 1-2 tuổi ra ngoài thì không được bảo vệ “chú tâm”. Tại mỗi cổng cũng chỉ có một bảo vệ nên việc kiểm soát, quan sát là không xuể.
Bên cạnh đó, việc ra vào cổng bệnh viện rất thản nhiên mà không chịu sự kiểm soát từ phía lực lượng an ninh. Đơn cử, lúc phóng viên tìm đến khu vực tòa nhà hành chính để liên hệ công tác, vẫn không hề chịu sự “thăm hỏi” nào của lực lượng an ninh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Trương – Giám đốc bệnh viện phụ sản Hùng Vương nhìn nhận, vụ trẻ bị bắt cóc là một thiếu sót của bệnh viện trong vấn đề an ninh. “Bệnh viện đã nhận ra những lỗ hỏng trong khâu quản lý an ninh. Trong thời gian tới bệnh viện sẽ tăng cường công tắc thắt chặt an ninh, sẽ kiểm tra giấy tờ liên quan nếu như có ai đó đưa trẻ ra ngoài. Những người mang bịch, túi xách đều được kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng trước khi đưa ra khỏi bệnh viện. Các khu vực tường có lỗ hỡ sẽ bị bịt kín, các điểm gờ trên tường rào sẽ bị đập bỏ, khu vực vắng người, khuất camera sẽ được tăng cường bảo vệ tuần tra và lắp đặt camera thêm”, bác sĩ Trương cho biết.
Trong một diễn biến khác, Công an TP.HCM vẫn đang phối hợp với công an quận 5 khẩn trương làm rõ vụ bắt cóc tại bệnh viện Hùng Vương vào ngày 17/3. Huỳnh Thị Ngọc Thủy (SN 1977, ngụ quận 3) bị tạm giữ để điều tra xử lý về hành vi “chiếm đoạt trẻ em”. Riêng Nguyễn Văn Nghĩa Em (SN 1978, tại xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP.HCM) cũng bị câu lưu để lấy lời khai phục vụ công tác điều tra.
Ngày 20/3, Công an quận 7 đang xem xét đổi tội danh từ Chiếm đoạt trẻ em sang mua bán trẻ em đối với Nguyễn Thị Bích Trâm (25 tuổi), nghi can bắt cóc bé sơ sinh tại bệnh viện quận 7 sáng ngày 9/1. Quá trình điều tra cho thấy, Trâm liên quan đến đường dây mua bán trẻ em cực lớn tại Sài Gòn. Trước đó, đêm ngày 8/1, Trâm vào phòng Hậu sản – Bệnh viện quận 7 làm quen với chị Nguyễn Thị Minh Tâm, lúc này chị Tâm cũng vừa sinh được con trai nặng 3,2kg. Sau khi lân la, dò hỏi, Trâm ở lại ngủ trong phòng Hậu sản. Đến sáng ngày 9/1, lợi dụng lúc chị Tâm đi rửa bình sữa, Trâm lén bồng con chị Tâm đi.