Theo báo cáo của các cơ sở y tế: Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (thành phố Hồ Chí Minh) từ sau Tết Canh Dần đến nay số trẻ bị viêm màng não liên tục gia tăng. Điều này là bất thường, bởi so với cùng kỳ những năm trước mỗi tháng chỉ rải rác vài ca nhưng năm nay bệnh gia tăng, ngày cao điểm có hàng chục trường hợp nhập viện vì viêm màng não.
Gia tăng bất thường
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh), trong những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4 bệnh viện tiếp nhận hàng chục trường hợp bị viêm màng não và số mắc ngày càng tăng. Cụ thể: ngày 31-3 có 39 trẻ mắc thì ngày 5-4 số trẻ em vào viện vì bệnh này đã là 58, trong đó có tới 14 trẻ bị biến chứng nặng. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP. Hồ Chí Minh), trung bình mỗi ngày có 10 – 20 trẻ nhập viện do viêm màng não. So với cùng kỳ các năm trước, số trẻ nhập viện vì bệnh này đã tăng gấp đôi. Đáng lo ngại, trong số các ca nhập viện có rất nhiều trường hợp bị biến chứng nặng điển hình là biến chứng thần kinh co giật.
Theo dõi sức khỏe bệnh nhi bị viêm màng não tại Bệnh viện Nhi đồng 1.
|
Nguyên nhân gia tăng trẻ viêm màng não, các chuyên gia y tế cho rằng, do thời tiết nắng bất thường, nhiều trẻ chưa được tiêm vaccin phòng bệnh viêm não cộng với sự ô nhiễm môi trường bụi bẩn bay nhiều dễ gây viêm mũi, họng (là một trong nguyên nhân gây viêm màng não). Bên cạnh đó, chính sự chủ quan của người nhà bệnh nhân cho rằng bệnh viêm màng não không nguy hiểm, dễ nhầm với bệnh bệnh khác như cảm cúm vì triệu chứng ban đầu cũng giống như cảm cúm. Điều này rất nguy hiểm bởi đây là căn bệnh dễ gây tử vong nhất và tỷ lệ tử vong cao.
Biến chứng khôn lường
Viêm màng não là bệnh nhiễm trùng của màng não nguyên nhân có thể do vi trùng hay virut. Đa số các trường hợp vi trùng hay virut từ vùng mũi họng xâm nhập vào màng não và gây viêm màng não. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi, nhất là trẻ mắc bệnh lý tai mũi họng không được điều trị kịp thời. Vi trùng gây viêm màng não thường là HIB (Haemophilus Influenza týp B), phế cầu (Streptococus pneumoniae) và não mô cầu (Neisseria meningitides). Còn nhóm virut gây viêm màng não thường là virut đường ruột. Dấu hiệu của bệnh viêm màng não có thể xuất hiện rất nhanh ngay trong ngày đầu tiên của bệnh hay xuất hiện sau một vài ngày sốt, ho, sổ mũi bằng các triệu chứng sau: Trẻ lớn: sốt cao, đau đầu, đau gáy, ăn kém, nôn ói, cổ cứng; Trẻ nhỏ: sốt cao, bỏ bú, ngủ nhiều, khóc thét, nôn ói, cổ cứng, trẻ còn thóp có thể thấy thóp phồng căng. Nếu bị nặng trẻ sẽ bị động kinh, co giật, li bì, hôn mê. Các triệu chứng sẽ ngày càng nặng hơn nếu không được điều trị.
Diễn tiến của bệnh tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, nặng sẽ để lại di chứng hoặc gây tử vong. Nếu viêm màng não do virut thì bệnh sẽ tự khỏi giống như đa số các trường hợp bệnh nhiễm siêu vi trùng khác. Tuy nhiên, dù viêm màng não do vi trùng hay virut đều cần phải điều trị và theo dõi tại cơ sở y tế để xử trí kịp thời các biến chứng của bệnh vì để chẩn đoán được viêm màng não do vi trùng hay virut cần phải có những xét nghiệm đặc biệt và theo dõi bởi bác sĩ.
Nên cho trẻ tiêm vaccin phòng bệnh viêm não.
|
Đáng lo ngại nhất, viêm màng não tiến triển rất nhanh và dễ dẫn đến biến chứng áp xe não, tụ mủ dưới màng cứng, suy hô hấp và tử vong. Nếu không được điều trị đúng, kịp thời có thể gây di chứng lâu dài (bị động kinh, yếu tay chân, đầu to… và nặng nhất là di chứng sống đời sống thực vật) dù đã khỏi bệnh. Do vậy, khi thấy trẻ sốt cao kèm với nôn, đau đầu dữ dội, thóp phòng (với trẻ nhũ nhi)… phải cho trẻ đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Đặc biệt, tránh những sai lầm, khi thấy trẻ nhỏ có những biểu hiện của bệnh viêm màng não thường nghĩ trẻ bị sốt mọc răng, còn ở trẻ lớn hơn có triệu chứng kèm theo như sốt, ho, sổ mũi lại nghĩ bị viêm đường hô hấp, hay cảm cúm nên tự ý cạo gió, mua thuốc điều trị tại nhà.
Vacxin là biện pháp hữu hiệu
Để phòng bệnh viêm màng não ở trẻ, nên cho trẻ đi tiêm vaccin phòng bệnh viêm não như viêm não do HIB (cho trẻ từ hai tháng tuổi trở lên), vaccin phòng viêm não mô cầu nhóm A, C (cho trẻ từ hai tuổi trở lên), viêm não Nhật Bản (khi trẻ tròn 12 tháng tuổi) tại cơ sở y tế: trạm y tế, trung tâm y tế dự phòng huyện, tỉnh, thành phố. Tốt nhất, trước khi tiêm vaccin phòng viêm não cho trẻ nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Giữ ấm, chăm sóc trẻ tốt khi thời tiết thay đổi và có dịch cảm cúm, điều trị kịp thời khi trẻ bị viêm mũi họng hay viêm tai. Ăn uống đảm bảo vệ sinh tránh gây bệnh lý đường ruột (viêm não do virut thường do virut đường ruột gây nên)…
Bác sĩ Hạnh Chung – Theo Suckhoedoisong.vn