Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ em. Bệnh xuất hiện cả khi thời tiết nóng cũng như khi trời lạnh. Tiêu chảy có thể là một phản ứng có lợi của cơ thể để tống những chất lạ có hại cho cơ thể như độc tố hoặc các men do vi khuẩn gây hại tiết ra khỏi cơ thể theo cơ chế lấy nước trong cơ thể đưa vào ruột để việc thải chất độc được dễ dàng hơn.
Tiêu chảy kéo dài (TCKD) thường bắt đầu bằng một đợt tiêu chảy cấp và kéo dài hơn 14 ngày. Hậu quả của bệnh thường dẫn đến suy dinh dưỡng nặng và dễ tử vong. Trẻ nhỏ có nguy cơ mắc TCKD cao hơn trẻ lớn. Nguy cơ tiêu chảy cấp chuyển sang TCKD ở trẻ trong năm đầu là 22%, giảm xuống 10% ở năm thứ hai và 3% ở năm thứ ba.
Tiêu chảy gây ra hiện tượng mất nước trong cơ thể, do vậy khi bị tiêu chảy, trước hết cần bù ngay nước và chất điện giải, sử dụng men vi sinh để cân bằng vi sinh vật đường ruột vì thực chất men vi sinh là những vi khuẩn sống có lợi được đông khô, khi vào ruột chúng sẽ sinh sôi nhanh chóng để tạo ra sự trấn áp với vi khuẩn có hại.
Nếu tiêu chảy kéo dài hơn hai ngày chưa thuyên giảm, thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, tìm nguyên nhân và có biện pháp điều trị kịp thời. Ngoài ra, khi thấy phân trẻ có lẫn máu, khi sờ nắn bụng thấy đau (trẻ khóc), nôn nhiều, không thể cho trẻ ăn uống được hoặc khi trẻ đã có dấu hiệu mất nước nặng như da nhăn, mắt lõm, đi tiểu rất ít, thóp lõm, khóc không có nước mắt cũng cần cho trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị.
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong điều trị TCKD. Việc cung cấp dinh dưỡng hợp lý sẽ có tác dụng thúc đẩy hồi phục sớm tổn thương niêm mạc ruột, giúp chức năng tiêu hóa hấp thu của ruột nhanh chóng trở về bình thường, rút ngắn thời gian tiêu chảy, cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ. Vì vậy, nên sử dụng các thức ăn dễ tiêu hóa, giá trị dinh dưỡng cao, khẩu phần có đủ prô-tê-in năng lượng, nhưng cần lưu ý đến tình trạng kém dung nạp lactose, dị ứng prô-tê-in sữa bò và những thức ăn, nước uống có nồng độ đường, muối quá cao làm tăng nồng độ thẩm thấu dễ gây tiêu chảy.