Dù con bạn 3 tuổi hay 13 tuổi, đây đều là những điều bạn phải chú ý khi con cãi lại nếu muốn con “tâm phục khẩu phục”.
Cẩn thận với chính phản ứng của mình
Khi con cãi lại bố mẹ, điều đầu tiên bạn nên chú ý là phải cẩn thận với chính phản ứng của mình, bởi hành động của bạn có thể làm rạn nứt mối quan hệ giữa bạn và con. Quá xuề xòa, con sẽ lại tiếp tục có những hành vi đáng lo ngại. Quá nghiêm khắc, con sẽ cảm thấy không được thể hiện chính mình, và có thể khiến cánh cửa giao tiếp giữa mẹ con bị đóng lại. Nếu bạn hét lên “Sao con dám? Mẹ là mẹ của con cơ mà?” thì tình hình chỉ càng thêm tệ mà thôi.
Trước tiên, bạn hãy kiểm soát cảm xúc của chính mình, bình tĩnh và nói với con rằng chúng ta sẽ nói chuyện sau, khi cả hai cảm thấy bớt nóng giận. Sau đó, đi ra ngoài một lúc hoặc đi sang phòng khác, nếu hai mẹ con đang ở chốn công cộng, bảo với con rằng cuộc tranh luận sẽ tạm dừng lại, giờ chúng ta về nhà đã.
Xác định nguyên nhân
Cãi lại luôn là sự thể hiện chân thực cảm giác của con, và nguyên nhân có thể bắt nguồn từ điều gì đó không liên quan đến bạn. Có thể con đang gặp rắc rối nào đó ở trường, đang bức xúc với bạn bè, đang bị stress với đống bài vở ở nhà, và con trút lên bạn bởi cảm giác bạn là một “mục tiêu an toàn” để trút giận. VÌ thế, hãy giữ bình tĩnh và tìm cho ra gốc gác cảm xúc khó chịu bực tức của con. Lần cho ra đầu mối vấn đề sẽ giúp chúng ta xử lý dễ dàng hơn rất nhiều.
Giải thích với con điều gì là có thể chấp nhận được
Khi cô/cậu bé ngoan ngoãn của bạn bỗng nhiên hét lên: “Mẹ đừng có rách việc nữa!” để phản ứng lại một yêu cầu nào đó của bạn, có thể con đang lặp lại câu nói nào đó mà con đã nghe thấy nhưng không hiểu thực sự sắc thái của nó. Vì thế, hãy giải thích rõ ràng và dứt khoát với con về việc có thể dùng cách nói đó được không. Nói với con rằng, sẽ là chấp nhận được nếu con nói là con đang bực mình, con đang mệt, hoặc con không thích nói chuyện vào lúc này. Nhưng gào lên theo kiểu đó để bảo mẹ đi đi là không chấp nhận được.
Chỉ rõ hậu quả
Một khi bạn thảo luận về việc hành vi và cách nói nào là không thích đáng, hãy để cho con biết sẽ có những hậu quả nào nếu con vượt qua ranh giới đó. Chỉ rõ những hình phạt, và nói trước với con, để con không cảm thấy bất ngờ và bất công khi phải lãnh phạt sau này. Và điều quan trọng là phải luôn nhất quán, theo đến cùng nguyên tắc đã chỉ ra.
Làm gương cho con
Việc bạn làm gương cho con để định hình các hành vi là hết sức quan trọng. Bọn trẻ học được từ những gì chúng nhìn thấy, đặc biệt là ở nhà. Nếu đứa trẻ 5 tuổi nhà bạn nghe lỏm được khi bạn đang nói về mẹ chồng một cách hằn học với chồng, thì bé sẽ học được rằng, sẽ chẳng có gì sai khi cư xử với người khác, kể cả bạn, theo cách đó. Vậy nên, hãy cư xử, nói năng với tất cả mọi người một cách tôn trọng, kể cả khi con bạn không ở đó.
Khen ngợi hành vi đúng
Thể hiện sự chú ý đặc biệt khi con thể hiện những hành vi tích cực, thay vì luôn chỉ trích hành vi xấu. Khi con nói chuyện và thể hiện bản thân theo cách thức tôn trọng người khác, hãy khen ngợi con. Nói với con rằng: “Mẹ thích cái cách con đợi đến lượt mình rồi mới nói”, hay “Con đã làm rất tốt khi thể hiện điều con nghĩ mà không cao giọng lên”. Điều đó sẽ khiến con cảm thấy dễ chịu và biết rằng bố và mẹ có ghi nhận cả những điểm tốt của mình!