Ta thường nghĩ rằng các con ở cái độ tuổi chỉ có ăn ngủ với chơi này thì có vấn đề gì phải stress? Thế nhưng, thực ra các bé tuổi đến trường hoàn toàn có thể rơi vào căng thẳng.
Khi mọi việc không được như mong muốn, cũng như người lớn, các con đều cảm thấy buồn. Và những chuyện đó thường là về bạn bè và những chuyện khác ở trường học.
Bố mẹ thường có xu hướng dỗ dành mỗi khi con buồn chán bằng bánh kẹo, kem, cho xem ti vi hoặc cho chơi game. Nhưng đó không phải là những cách tốt để nụ cười quay trở lại với con yêu của bạn.
“Bạn không nên mua hạnh phúc cho con bằng món này món nọ. Bạn cần mang đến cho con những kỹ năng có thể giúp con vượt qua nỗi buồn hoặc tức giận”, Tiến sĩ Kristy vanMarle, Giáo sư dự khuyết (Assistant professor) trường Đại học Missouri, Columbia nói. “Hẳn bạn chẳng muốn con của mình trở thành một kẻ cứ mỗi lần suy sụp chỉ biết đi đến hộp kem”.
Thay vào đó, bạn có thể có những cách khác tích cực hơn và không khiến con bạn trở nên béo phì vì buồn chán.
1.Chơi cùng nhau
Khi con bạn buồn giận bởi những người bạn không tốt nào đó trên trường học, hãy dành thời gian chơi với con. “Bọn trẻ thực sự trưởng thành hơn khi được sự quan tâm chăm sóc và cảm thông của bố mẹ”, van Marle nói. Hãy cho con biết rằng, con đáng yêu và đặc biệt như thế nào.
Một trong những cách tốt nhất là cùng làm một điều gì đó thật vui. Đi dạo một vòng hoặc đạp xe cùng nhau. Cho con hiểu rằng những hoạt động thể chất là một cách để giảm trừ stress và có được cảm giác dễ chịu hơn.
2. Giúp con nói ra được
Lứa tuổi này, các con gặp nhiều khó khăn khi diễn tả cảm xúc của mình bằng từ ngữ. Các con thậm chí còn không biết dùng những từ như “thất vọng”, hay “chán nản”.
Bạn có thể giúp con biểu đạt những cảm xúc của mình. Chẳng hạn như “Có vẻ như con cảm thấy buồn vì bạn A không ngồi ăn trưa với con phải không?” hoặc “Mẹ đoán là con cảm thấy tổn thương khi bạn X không chọn con cùng phe, phải không nhỉ?
Sau đó, cùng nói về chuyện con có thể làm gì để cảm thấy dễ chịu hơn trong tình huống đó. Chẳng hạn như chơi hay nói chuyện với ai đó con tin tưởng. Và thực hành ngay bằng cách, rủ con cùng làm gì đó “Giờ mẹ con mình đi dạo một vòng nhé?”
Chìa khóa ở đây là lắng nghe và cảm thông con.
3. Hãy cho con khoảng thời gian được một mình
Trẻ con thường hay ầm ĩ với đủ thứ trò chơi và với bạn bè của mình. Vì thế thỉnh thoảng một chút yên tĩnh là rất cần thiết. Nó có thể khiến con cảm thấy thư giãn và bình tĩnh lại. Sau khi nói chuyện, hãy để cho con một khoảng thời gian yên tĩnh. Trẻ con không nên dành trên 2 tiếng một ngày để xem ti vi, lên máy tính hay chơi trò chơi được.
Thời gian yên tĩnh một mình có thể giúp con học được cách chung sống với chính mình, tìm nguồn vui nơi mình thay vì tìm nó nơi người khác hay trò chơi nào đó.
“Việc có thể ngồi yên lặng một lúc mà không làm gì, không phải nghe dạy bảo gì là rất quan trọng đối với trẻ”, vanMarle nói. “Đó là một kỹ năng mà bạn nên rèn luyện [cho trẻ]”
4. Cho con đi ngủ
Thỉnh thoảng, con cảm thấy cáu kỉnh hay khó chịu chỉ vì con đã mệt. Trẻ ở độ tuổi đến trường (5 đến 12 tuổi) thường cần ngủ 10 đến 11 tiếng mỗi ngày.
Hãy đảm bảo rằng con ngủ đều đặn và đủ giấc, đề ra nguyên tắc về giờ đi ngủ. Có thể nói chuyện một lúc với con về ngày vừa qua, hoặc cho con tắm trước khi ngủ, sau đó cùng đọc một quyển sách. Trong phòng ngủ của con giữ ánh sáng đủ để ngủ, và nhiệt độ ở mức dễ chịu. Duy trì nền nếp giờ ngủ và giờ thức đều đặn mỗi ngày.
Hãy dạy con rằng, cơ thể luôn cần ngủ đủ để có thể có đủ năng lượng cho con chơi vui.
“Chừng nào bạn còn mang đến cho con sự chăm sóc tình cảm và thông thường, quan tâm chú ý đến con khi con cần, và dĩ nhiên là yêu thương con mọi lúc, thì con bạn sẽ sớm ổn thôi!” vanMarle chia sẻ.
Lưu Thị Minh Hương đã bình luận
bài này hay, bố mẹ nên đọc