Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng chánh niệm chính là nguồn năng lượng giúp chúng ta nhận ra niềm hạnh phúc của chính mình. Cha mẹ và giáo viên có thể tạo điều kiện cho gia đình và lớp học trở thành nơi nuôi dưỡng hạnh phúc của con trẻ.
Bài viết được trích dẫn từ Planting Seeds (Gieo trồng hạt giống) – bộ phim tài liệu được xây dựng dựa trên cuốn sách Gieo trồng hạt giống –Sức mạnh của chánh niệm với trẻ em củaThiền sư Thích Nhất Hạnh và cộng đồng Làng Mai ở Pháp.
Hạnh phúc từ trong tâm hồn
“Bất kỳ ai cũng có thể tìm được sự hạnh phúc trong tâm hồn, nghĩa là ai cũng có thể hạnh phúc ngay tại đây và ngay lúc này,” Thiền sư Thích Nhất Hạnh – người thiền sư được Havard, Google và cả thế giới vinh danh – khẳng định.
Vậy ai là những người làm cho chúng ta hạnh phúc? “Chính chúng ta. Chúng ta phải tự nhắc bản thân rằng mình luôn có đủ điều kiện để đươc hạnh phúc, ngay tại đây và ngay lúc này.”
Cha mẹ và giáo viên có thể làm điều đó cho chính mình và gieo trồng hạt mầm hạnh phúc trong những tâm hồn trẻ thơ, ngay từ lúc này. Vị thiền sư tin rằng “Những thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới!”
Cha mẹ cũng là người thầy tốt nhất của con mình. Những cha mẹ hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới.
Thở vào, tôi là ngọn núi vững mạnh
Trong bộ phim tài liệu, các bạn nhỏ được ngồi thảo luận với sư cô Chau Nghiem ở trên đồi.
Chau Nghiem: Khi nào là thời điểm mà chúng ta cần phải cứng rắn, khi nào là thời điểm mà chúng ta thực sự cần một nguồn năng lượng vững mạnh trong bản thân mình?
Tại sao chúng ta cần có nguồn năng lượng đó khi bị bắt nạt?
Em bé: Vì như vậy chúng ta sẽ không bị tổn thương.
Chau Nghiem: Đúng rồi. Vậy việc vững chắc như một ngọn núi sẽ giúp ích như thế nào khi chúng ta bị bắt nạt?
Em bé: Điều đó sẽ khiến họ không còn muốn bắt nạt chúng ta nữa.
Chánh niệm thực chất là biết rõ những điều đang xảy ra trong tâm trí cả những điều xảy ra xung quanh mình để có thể tự chăm sóc, trân trọng bản thân và cuối cùng là lắng nghe chính mình để yêu mình hơn. Chánh niệm chính là tình yêu.
Trẻ em đã sẵn sàng để học về chánh niệm
Phap Luu, một sư thầy dạy cho trẻ em về chánh niệm chia sẻ: Chánh niệm khiến tôi cảm thấy yên bình và nhận thức được tôi là ai, tôi đang làm gì trong thế giới này. Việc giúp những đứa trẻ có chánh niệm là một điều rất có ý nghĩa với tôi. Tôi muốn giúp chúng có chánh niệm, để chúng có thể cảm nhận hơi thở, kiềm chế bản thân và lưu tâm cả những chuyển động.
Khi gặp phải những điều khó khăn trong gia đình và nhà trường, chúng sẽ biết cách biến đổi tình hình và biến đổi cả những nỗi đau. Tôi không nghĩ rằng trẻ em chưa sẵn sàng để làm những điều này. Sẽ có thời điểm mà chúng ta phải hứng chịu nhiều nỗi đau nhất, sau đó chúng ta mới có thể bồi dưỡng chánh niệm trong tâm hồn. Điều này cũng tựa như việc đem đến cho những đứa trẻ món quà tuyệt vời nhất về thế giới.
Khi hít vào, tôi cảm thấy bản thân mình như một ngọn núi. Khi thở ra, tôi cảm thấy rất vững mạnh, sự vững mạnh tựa núi đá.
Lớp học có thể là một nơi tuyệt vời, tuy nhiên, đôi lúc nó cũng đem đến rất nhiều căng thẳng. Dạy trẻ em về chánh niệm có thể biến lớp học bình thường thành một lớp học mà cả giáo viên lẫn học sinh đều ưa thích, đồng thời giúp họ trở nên bình tĩnh hơn, chú ý hơn đến những điều diễn ra trong lớp, quan tâm đến nhau hơn và thực sự thích cảm giác được ở bên nhau trong lớp học.