Đã có bao giờ bạn thắc mắc tại sao con bạn lại cười khi chơi ú òa, bị cù bụng chưa? Tiến sĩ Caspar Addyman, một thành viên của nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Phát triển Não bộ và Nhận thức của Đại học Birkbeck, London (hay còn được gọi là Babylad), người đang giám sát một trong những nghiên cứu lớn nhất tập trung vào những điều làm bé cười, sẽ giải thích cho bạn hiểu lý do tại sao lại như thế.
Vị tiến sĩ này cho biết: “Hiểu được những em bé cũng giúp chúng ta hiểu được người trưởng thành. Trẻ em giống như những nhà khoa học bé nhỏ. Chúng khám phá thế giới và thông qua chúng, chúng ta cũng có thể khám phá được rất nhiều điều”.
Cho dù chưa có con nhưng vì quá đam mê, từ một người làm ngân hàng, tiến sĩ Addyman đã chuyển hướng thành nhà tâm lý học và tự tài trợ cho các nghiên cứu của chính mình. Ông đã lập chi tiết danh sách các câu hỏi cho các bậc cha mẹ, cũng như đề nghị họ gửi cho mình những video và những báo cáo ngắn gọn về những thứ khiến con họ bật cười. Đã có 1400 bậc cha mẹ từ 25 nước khác nhau đã trả lời những câu hỏi này của Addyman.
Trả lời phỏng vấn với tờ DailyMail, ông cho biết: “Chúng tôi đã hỏi là liệu lũ trẻ có thấy mẹ hay bố chúng hài hước nhất hay không và tính khí thông thường của chúng là gì? Chúng tôi cũng đang làm việc trên một bảng câu hỏi riêng biệt để tìm hiểu xem có sự tương quan nào giữa những đứa bé hay cười và tính khí bình ổn hơn không?
Điều vô cùng ngạc nhiên là trái với nhận thức chung, tiếng cười có mặt từ khi trẻ còn rất nhỏ. 90% trẻ đã mỉm cười trong hai tháng đầu và cười chỉ một vài tuần sau đó. Trong khi những báo cáo từ các cha mẹ gửi về thì con họ đã cười được một cách rõ ràng ngay từ vài tuần tuổi đầu tiên”.
Lộ lý do khiến bé nhà bạn cười 2
Em bé khóc là để thông báo bạn hãy dừng những gì bạn đang làm, còn khi bé cười là tín hiệu bạn hãy tiếp tục làm như thế.
Ông nói thêm: “Tương tự, một số ít báo cáo con họ không cười một chút nào trong suốt 12 tháng đầu tiên. Điều này cho thấy ngay từ rất sớm, trẻ tự định hình một loạt các tính nết cho mình”. Tuy nhiên, may mắn là tất cả các ông bố, bà mẹ đều có điểm số như nhau khi xét đến việc mỉm cười nhẹ của em bé.
Cũng trong dữ liệu thu thập được, Addyman nhận thấy các bé trai thường cười đùa nhiều hơn so với các bé gái, khi các bậc cha mẹ thông báo, con trai họ cười gần 50 lần/ngày đối lập với con gái chỉ cười hơn 37 lần/ngày. Dù vậy, Addyman lại bày tỏ quan điểm rằng: “Điều này có thể phụ thuộc vào hành vi của cha mẹ. Nếu bạn nghĩ con trai cười nhiều hơn, bạn có thể sẽ cố gắng làm cho chúng bật cười nhiều hơn nữa”.
Ý kiến phân chia giới tính bé trai cười nhiều hơn bé gái khiến một độc giả viết thư phản đối vì nó hoàn toàn trái ngược với con gái cô.
Một điều thú vị nữa hầu hết các bậc cha mẹ thường chơi trò chơi theo bản năng bởi vì trẻ sơ sinh có một cách thức đáng kinh ngạc khiến người lớn làm những điều ngốc nghếch để làm trò vui cho tất cả mọi người. Nó khiến chúng cười, và đó là một kinh nghiệm kết nối vô cùng quan trọng. Nhà tâm lý học này cũng cho biết thêm rằng trong những năm tháng đầu đời, nụ cười và nước mắt là cách duy nhất của trẻ trong giao tiếp: “Khóc là một tín hiệu chúng muốn thay đổi thứ gì đó, trong khi mỉm cười hoặc bật cười thì ngược lại – nó nói lên rằng hãy tiếp tục làm những việc bạn đang làm đi”.
Hãy cùng xem những điều khiến bé cười và lý giải tại sao của Tiến sĩ Addyman nhé:
Chọc cù bé
Cha mẹ của cậu bé 3 tuần tuổi Cosmo đã gửi tới Phòng thí nghiệm Babylab một loạt ảnh cậu bé cười khúc khích khi họ chọc cù bé. Điều này dường như là sự thách thức chống lại quan điểm rằng trẻ không cười cho tới khi chúng lớn hơn.
Addyman giải thích chọc cù kích thích các dây thần kinh khác nhau thường phản ứng lại với tiếng cười. Cho nên không có gì ngạc nhiên khi tiếng cười có liên quan tới sự đụng chạm của cha mẹ. Ông cho biết: “Một giáo sư đã từng nói trò đùa đầu tiên con người làm là cù một đứa trẻ.”
Soi gương
Giống như nhiều đứa trẻ khác, cậu bé 4 tháng tuổi Frederick luôn bật cười mỗi khi bé trông thấy mình trong gương. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Addyman lý giải thì lý do bé cười hoàn toàn khác so với những gì các bậc cha mẹ thường nghĩ tới.
Theo ông, trẻ cười là do hình ảnh phản chiếu trong gương đã phá vỡ những quy ước xã hội tự nhiên và điều này khiến trẻ cảm thấy thích thú: “Nghiên cứu cho thấy trẻ không nhận ra bản thân mình trong gương cho tới khi chúng được ít nhất 18 tháng tuổi? Đối thoại và tương tác xã hội liên quan qua lại với nhau, trong khi người trong gương lại phá vỡ những quy ước đó bằng việc bắt chước tất cả mọi thứ cùng một lúc”.
Khi tắm
Dường như việc cô bé Polly, 11 tháng tuổi luôn vui sướng khi ở trong nhà tắm đã củng cố thêm về học thuyết tương tác của cha mẹ là chìa khóa để bé cười của Tiến sĩ Addyman.
Ông cho biết: “Rất nhiều bậc cha mẹ đã báo lại khoảng thời gian đi tắm là lúc bé thích thú nhất, chính điều này đã khiến tôi nghĩ là một lần nữa nó liên quan đến sự chú ý giám sát kỹ càng của người lớn. Tuy nhiên, nó cũng có thể là niềm vui giác quan. Dòng nước ấm áp giống như hồi trong bụng mẹ. Niềm vui đến với trẻ chỉ từ những cảm giác, xúc động đơn giản và cơ bản”.
Ú òa
Chắc sẽ không có cha mẹ nào ngạc nhiên khi biết rằng trò Ú òa đứng đầu danh sách các trò chơi tạo được tiếng cười cho con trẻ trên thế giới. Theo Addyman, ông tin rằng bởi vì trò chơi này tạo ra sự tương tác mạnh mẽ và nó cũng là một trò chơi phát triển theo thời gian nên việc được đứng đầu danh sách là hoàn toàn xứng đáng.
Ông cho hay: “Một em bé không có khái niệm về thời gian, do đó, mỗi khi ai đó hay một thứ gì trở về sau khi đã biến mất luôn là một cú sốc. Và bởi vì chơi Ú òa, bé được nhìn thấy bố mẹ yêu mến quay trở lại nên với bé, đó là một cú sốc hạnh phúc. Theo thời gian, trò chơi càng trở nên phức tạp hơn bởi trẻ phát triển nhận thức rằng bạn sẽ trở lại – vì vậy nó trở thành dự đoán, và khiến trẻ ngày một thích thú. Tới khi trẻ biết đi, chúng sẽ nhận ra rằng chúng có thể làm bạn biến mất và xuất hiện trở lại bằng việc che mắt, như trường hợp của cô bé này”.
Thú nhồi bông
Đã có vô số phản hồi từ các bậc cha mẹ cho biết: búp bê và thú nhồi bông đã trở thành đồ chơi yêu thích nhất của con họ, ví dụ như trường hợp của cô bé Sienna 3 tháng tuổi trên đây.
Tiến sĩ Addyman giải thích: ”Ngay từ đầu, trẻ dường như hiểu ở một cấp độ sâu sắc nào đó rằng đồ chơi của chúng không có thật, nhưng vẫn có thể đồng cảm được với chúng. Và dường như trẻ cũng nhận thấy sự phi lý của một con thú hay thứ đồ chơi vô tri vô giác hành động trong một bộ trang phục đặc sắc là rất thú vị. Và cũng giống như Ú òa, sự góp mặt của bố mẹ trong trò chơi giống như điều phối sự tương tác này”.
Cười khi chơi lúc lắc
Độc giả Kathryn Knight viết: “Con gái tôi, Connie, luôn thích thú mỗi khi tôi hay con bé lắc lúc lắc của nó. Tôi tự hỏi tại sao lại như thế, bởi trong số tất cả đồ chơi của nó, đó là thứ con bé thích nhất”.
Trả lời thắc mắc của Kathryn, Tiến sĩ Addyman cho hay: “Đôi khi tiếng cười của bé là sự reo mừng, như thể thốt lên: “Con đã làm nó kêu đấy”. Và đôi khi nó chỉ đơn thuần là có một âm thanh dễ chịu hay cảm giác mới mẻ với bé. Tôi nghĩ đó cũng có thể một sự tương tác giữa nguyên nhân và kết quả. Một trong những video chúng tôi gửi đi là hình ảnh của một em bé bật cười thích thú mỗi khi cha mẹ em bật, tắt công tác đèn khiến đèn lúc sáng, lúc tối. Mỗi lần như vậy đều rất vui nhộn, và điều đó xảy ra tương tự với tiếng ồn của lúc lắc”.