Gọt vỏ cam, táo hay dưa chuột… trước khi cho trẻ ăn là thói quen phổ biến của đại đa số các bà mẹ. Tuy nhiên, mẹ có biết rằng hàm lượng dinh dưỡng trong vỏ của chúng có thể còn nhiều hơn cả ở ruột.
1. Vỏ cam
Mẹ có biết vỏ cam có lượng chất xơ gấp 4 lần phần ruột? Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, số lượng các chất tengeretin và nobiletin trong vỏ cam cao hơn so với phần ruột bên trong. Đây là những flavonoid tốt có tác dụng chống ung thư, chống viêm. Ăn vỏ cam cũng sẽ làm giảm lượng cholesterol xấu (LDL) một cách tự nhiên.
Vì vậy, khi cho trẻ ăn cam, mẹ hoàn toàn có thể giữ lại phần vỏ để chế biến thành món chè chẳng hạn. Đơn giản, mẹ chỉ cần rửa sạch phần vỏ, nạo nhỏ và thêm đậu xanh vào nấu thanh món chè thanh mát. Hoặc có thể xắt nhỏ rồi cho vào nấu với siro chocolate, từng miếng vỏ cam sẽ được bao phủ bởi lớp socola tan chảy. Đảm bảo trẻ không thể chối từ việc nếm thử món ngon hấp dẫn này.
2. Vỏ dưa chuột
Vỏ màu xanh của dưa chuột có chứa axit chlorogenic và acid caffeic, có thể kháng khuẩn, chống viêm và kích thích vai trò của bạch cầu. Ăn dưa chuột cả vỏ sẽ giúp trẻ hấp thụ Vitamin C có trong dưa tốt hơn, chất nhựa trong vỏ dưa cũng giúp tăng cường chức năng giải độc cho cơ thể.
3. Vỏ táo
Nếu bạn có thói quen rửa thật sạch táo (thậm chí là sục khí oxy vào rửa hẳn 15 phút) rồi gọt vỏ cho con ăn thì nên thay đổi đi. Vỏ táo rất giàu chất chống ôxy hóa có tên quercetin, tác dụng hữu ích cho phổi và não. Ngoài ra, vỏ táo giàu chất xơ và vitamin hơn cả cùi hay thịt, thậm chí còn nhiều hơn so với một số loại trái cây khác. Đặc biệt, một nửa vitamin C có trong quả táo nằm ở vỏ đấy. Vì vậy, đừng dại bỏ phí những vitamin quý này. Cứ thử cho trẻ ăn miếng táo cả vỏ xem sao. Vị thơm mát và giòn rộp sẽ khiến chúng thích mê cho xem!
4. Phần ‘thịt’ trắng của dưa hấu
Dưa hấu là loại quả khoái khẩu của nhiều trẻ trong mùa hè. Không chỉ có tác dụng giải khát, dưa hấu còn chứa một loại acid amin có tên L-citrulline, có tác dụng nâng cao sức đềkháng, tăng cường sức khỏe. Nhưng hẳn không nhiều mẹ biết rằng, vỏ dưa hấu (phần ‘thịt’ trắng) mà mẹ thường vứt đi lại có giá trị dinh dưỡng rất lớn. Chúng có chứa hợp chất citrulline, tác dụng loại bỏ nitơ trong máu. Bởi thế, khi cho trẻ ăn dưa hấu không nên chỉ gọt riêng phần ruột đỏ mà bỏ đi phần ‘thịt’ trắng. Nên khuyến khích trẻ ăn kết hợp cả ruột và ‘thịt’.
5. Phần cuống của bông cải xanh
Bông cải xanh là loại rau quen thuộc trong menu hàng ngày của trẻ. Nhưng thông thường mẹ chỉ cho trẻ ăn phần hoa mà quên mất phần thân cuống. Đó thực sự là lãng phí! Hãy tận dụng cả phần này để trẻ nhận được đầy đủ lượng canxi và vitamin C. Bên cạnh đó, phần thân cuống bông cải xanh còn giúp trẻ cảm thấy no lâu hơn.