Bé đang phát triển các kỹ năng ngôn ngữ một cách nhanh chóng và đã nói rất sõi thì bỗng nhiên lại nói lắp. Bố mẹ hãy nghe ý kiến của chuyên gia về vấn đề này.
Bố mẹ có thể cảm thấy lúng túng và lo lắng khi thấy bé bắt đầu nói lắp, đặc biệt là khi trước đó bé đã nói được rõ ràng và trôi chảy. Nhưng thực tế là, nói lắp không phải là việc hiếm đối với trẻ trong độ tuổi 2-5 tuổi, khi các bé học cách nhận biết âm thanh và sắp xếp từ với nhau để tạo thành các câu có ý nghĩa. Lúc này, bé muốn bày tỏ quá nhiều suy nghĩ đến mức đôi khi thật khó để diễn đạt tất cả thành lời!
Theo Viện Quốc gia về chứng điếc và rối loạn giao tiếp của Hoa Kỳ, nói lắp có thể xuất hiện khi mong muốn được nói của trẻ vượt quá khả năng ngôn ngữ hiện tại, cho đến khi khả năng này bắt kịp với mong muốn đó.
Trong giai đoạn này, việc nói lắp có thể đến rồi đi, hoặc có thể kéo dài tới vài tháng và hơn thế. Tuy vậy, bố mẹ cần biết đa số trẻ tự bỏ được tật này khi chúng lớn lên. Theo Hiệp hội Quốc gia về Tật nói lắp tại Mỹ, cứ 4 trẻ có dấu hiệu nói lắp tự phát thì 3 trẻ tự bỏ được tật trong vòng 1 năm.
Những dấu hiệu cho thấy nói lắp có dấu hiệu bệnh lý:
– Bé lặp lại mỗi âm tiết từ bốn lần trở lên (m-m-m-m-mèo) thay vì chỉ một đến hai lần như trẻ nói lắp thông thường (m-m-mèo).
– Cơ mặt của bé cứng lại, bé nhấp nháy mắt hoặc hướng cái nhìn sang một bên khi nói lắp.
– Độ cao trong giọng nói của bé tăng lên khi nói lắp.
– Bé nói lắp trong suốt cả ngày dài, bất kể là tình huống nào. (nói lắp tự phát thông thường chỉ xảy ra khi trẻ mệt mỏi, sợ hãi, kích động hay thất vọng).
– Bé biểu lộ nỗ lực lớn và/hoặc căng thẳng khi cố gắng nói. Bé còn có thể bắt đầu né tránh việc nói chuyện.
Nếu bố mẹ cảm thấy lo lắng về việc con nói lắp, hãy tham khảo ý kiến của các bác sỹ hoặc chuyên gia nghiên cứu về sự phát triển của trẻ để đánh giá tình hình của bé. Họ sẽ biết nếu việc nói lắp là bình thường ở độ tuổi phát triển của bé hay bé cần được điều trị.
Trong lúc đó, hãy đối phó với tật nói lắp của bé theo những phương pháp nhạy cảm và hữu ích dưới đây:
– Không quá quan trọng hóa về việc bé nói lắp. Giảm bớt áp lực lên bé bằng cách cho bé thấy bạn rất hứng thú với những điều bé đang nói, cũng như cho bé đủ thời gian để trình bày.
– Khuyến khích bé bằng cách cho bé biết bạn hiểu con muốn nói rất nhiều điều và đôi lúc nói ra tất cả thật là khó, bạn sẽ kiên nhẫn chờ cho con nói hết những gì muốn nói.
– Nói chậm lại để con có thể theo kịp, nếu bạn là người hay nói nhanh.
– Hỏi con từng câu một và chờ bé trả lời trước khi nói tiếp. Lắng nghe một cách chăm chú và kiên nhẫn câu trả lời từ bé.
Tóm lại, lời khuyên tốt nhất cho bố mẹ lúc này là làm chậm lại mọi tác động của bạn đến con. Trẻ nhỏ vận động với nhịp điệu khác xa so với người lớn, bởi thế giới còn quá mới mẻ và đầy ắp những điều thú vị đối với bé. Cắt bỏ những yêu cầu về tốc độ của bố mẹ với trẻ sẽ làm giảm bớt áp lực mà bé có thể cảm thấy khi cố gắng “thả” các từ ra càng nhanh càng tốt.