Có những điều mẹ không dạy con, như khi mẹ im lặng khi con hỏi tại sao người ta đánh nhau, khi con kể cô phạt con vì con viết chữ không đẹp
Giữa dòng người tấp nập, hai xe máy va nhẹ vào nhau, hầm hè, gây gổ rồi hai thanh niên cầm lái lao vào đánh nhau túi bụi. Nhím thấy vậy hỏi: “Sao người ta đánh nhau vậy mẹ?”.
Mẹ bối rối không biết trả lời sao nên tìm cách… đánh trống lảng. Buổi tối, Nhím khoe với bố: “Mẹ chở Nhím đi nhà sách, thấy người ta đụng xe rồi đánh nhau nè…”, rồi Nhím hỏi lại mẹ câu hỏi lúc chiều. Mẹ biết không thể “vờ” được nữa nên đành giải thích: “À, hai người đó hư nên đánh nhau!”. Quả thực, mẹ không nghĩ một đứa trẻ năm tuổi như con lại bị ám ảnh bởi những gì con nhìn thấy trên đường lâu đến thế. Cứ ngỡ hình ảnh trận ẩu đả lúc chiều rồi cũng như hình ảnh vô số chiếc xe lớn nhỏ lướt qua trên đường mà con thích thú nhìn ngắm, sẽ trôi qua trí nhớ non nớt của con…
Tối hôm trước, Nhím ôm mẹ thủ thỉ: “Mẹ đừng bắt con đi học nữa…”. Mẹ “điều tra” một hồi thì con khóc, bảo chiều nay con bị phạt úp mặt vào tường vì con viết số không đẹp. Nghe con nói, mẹ thấy thương quá, nỡ nào cô giáo lại tước mất niềm vui đến trường của một đứa trẻ ngây thơ? Đã bao lần, bố mẹ đắn đo về chuyện có nên cho con học chữ trước khi vào lớp 1, để rồi cuối cùng quyết định là vẫn dạy chữ nhưng con tiếp thu được chút nào hay chút ấy chứ không ép. Thấy con viết xấu hơn các bạn, cô giáo đã phạt và còn dọa dẫm con – một hình thức phản sư phạm lẽ ra không nên áp dụng với một đứa trẻ mẫu giáo.
Con lên năm, nghĩa là mẹ đã đi qua một chặng đường tuy không dài nhưng khá nhọc nhằn với hàng tá vấn đề về sức khỏe của con. Cứ ngỡ khi con ở tuổi này, mẹ đã có thể tạm “quẳng gánh lo đi mà vui sống”, nhưng những mối bận tâm khác liên tục ập đến khiến mẹ hiểu rằng nuôi con là một quá trình liên tục không có khoảng dừng. So với việc cho con ăn hay chăm con ốm, việc “dạy” con cũng khó khăn không kém, nhất là khi càng lớn lên, con càng nhận thức nhiều hơn về những điều đang diễn ra quanh mình.
Có nhiều điều mẹ không thể dạy con khi những sự việc đó diễn ra ngoài tầm kiểm soát của bố mẹ. Bố mẹ chỉ biết cố gắng đem lại cho con một cuộc sống tốt nhất, cũng như trang bị cho con liều “vắc-xin” hiệu quả nhất để con đủ sức “đề kháng” với những điều không mong muốn nhưng vẫn luôn xảy ra trên đường đời. Rồi con chứ không ai khác sẽ phải học cách tự-miễn-dịch để vượt qua. Bố mẹ không thể là chiếc áo giáp che chắn cho con mãi, cũng chẳng thể là chiếc kính vạn hoa cho con soi vào để chỉ nhìn thấy những điều đẹp đẽ mà quên đi cái xấu, cái ác đang diễn ra mỗi ngày, nhưng mẹ sẽ là người bạn đồng hành để cùng con chia sẻ khó khăn, hay chí ít cũng giúp con nhận ra điểm tích cực giữa những điều tưởng chừng bi quan, tiêu cực nhất. Cuộc sống vốn là một ngôi trường khổng lồ với những bài học không giới hạn. Mẹ con mình sẽ cùng nhau học mỗi ngày, con trai nhé!