Mẹ ơi, bạn A bảo con ngu, có khi bạn ấy bảo luôn cả mẹ nữa ấy! Vì tất cả con gái đều ngu, bố bạn ấy bảo thế!” – con gái tôi kể trên đường đi học về.
Quãng đường từ trường học của con gái về đến nhà khá dài nên hôm nào tôi cũng được bé kể cho bao nhiêu chuyện. Đa phần là là chuyện vui, khiến hai mẹ con cười như nắc nẻ, nhưng đôi khi cũng có những chuyện trầm trầm, khiến tôi chả biết nên cười hay mếu. Chẳng hạn như câu chuyện dưới đây, tuy tôi không nhớ vào ngày nào nữa.
Thỏ: Mẹ ơi, TrA bảo con ngu, có khi bạn ấy bảo luôn cả mẹ nữa ấy.
(Tôi biết TrA, cậu bạn ngồi cạnh con con gái tôi từ ngày đầu tiên đến lớp. Cậu ấy có gương mặt tròn tròn, trắng hồng, rất xinh trai và nghịch đến mức cô chủ nhiệm luôn phải để mắt tới. )
Mẹ: Tự nhiên bạn ấy nói thế hả con?
Thỏ: Bạn ấy bảo con bò tót nó húc vào cái khăn đỏ vì nó ghét mầu đỏ. Nhưng chính mẹ bảo con là nó nó bị mù mầu, nó sẽ húc vào bất cứ cái gì chuyển động chứ đâu phải do không thích mầu đỏ.
Mẹ: Đúng vậy mà.
Thỏ: Thế là TrA bảo là con ngu, vì con là con gái.
Mẹ: Rồi con nói sao?
Thỏ: Con bảo thế sao cậu lại được một cô giáo dậy dỗ. Mà là cô giáo thì phải thông minh.
Mẹ: Rồi sao nữa?
Thỏ: Bạn ấy bảo tất cả con gái đều ngu, và không biết gì, bố bạn ấy bảo thế.
Một cậu bé 8 tuổi nghĩ rằng tất cả những ai có giới tính nữ đều ngu ngốc, điều ấy rõ ràng là sai nhưng phải giải thích làm sao khi bé tin vào điều đó cũng như hoàn toàn tin tưởng vào những lời cha mình nói?
“Năm 1873, Edward Clarke – cựu giáo sư bác sỹ tại Đại học Y Harvard (Mỹ) đã công bố lý do phụ nữ không nên đi học trong cuốn sách của mình. Ông cho rằng, việc quan trọng nhất của phụ nữ là làm tròn “thiên chức” của mình: sinh sản và nuôi dưỡng con cái, nên việc giáo dục chỉ là thứ yếu.
Ông nêu rõ, não bộ phụ nữ “kém” hơn so với đàn ông, khiến họ không thể tiếp thu kiến thức trình độ cao. Ngoài ra, ông cũng cảnh báo phụ nữ nếu cố gắng học có thể gây tổn hại cơ quan sinh sản, đặc biệt những người đang có kinh nguyệt.
Trong nhiều năm, quan niệm của Clarke trở thành một chủ đề gây tranh cãi rất gay gắt và được nhiều người phân biệt giới tính sử dụng để chống lại việc cho phép phụ nữ được tiếp thu kiến thức. Sau cùng, quan niệm này cũng chìm vào quên lãng khi thực tế đã chứng minh, rất nhiều vĩ nhân đến từ “nửa kia thế giới” như Marie Curie.”
Trước khi nhìn thấy thiên nga đen ở Châu Mỹ, người Châu Âu vẫn nghĩ Thiên Nga chỉ có mầu trắng.
Trước khi những vận động viên da mầu liên tục đạt giải nhất tại các cuộc thi điền kinh lớn, người da trắng vẫn cho rằng chỉ có cấu tạo cơ thể của họ là phù hợp với chạy ở tốc độ tối ưu.
Và chắc chắn, trước khi khẳng định phụ nữ là ngu ngốc (như bố TrA nói), là không thể giáo dưỡng được (như Khổng tử nói), hay chỉ giỏi sinh đẻ và chăm con (như giáo sư Edward Clarke đã nghiên cứu)… thì hãy trao cho họ sự bình đẳng trong mọi cơ hội học tập, làm việc và cống hiến.
***
Vâng, những hiểu lầm trong một thời gian dài đôi khi vẫn được gọi là chân lý.