Đừng cho con gái mặc váy ngắn hớ hênh để làm mồi ngon mời mọc “yêu râu xanh”, sử dụng Luật bàn tay trong giao tiếp là những gợi ý của BS nhi khoa, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Lan Hải để dạy trẻ phòng tránh xâm hại, tự bảo vệ mình.
“Mặc váy ngắn mới đẹp!”
LTS: Yeutretho giới thiệu loạt bài dạy con về giới tính cho trẻ mầm non và tiểu học. Mời bạn gửi câu hỏi hoặc chia sẻ kinh nghiệm của riêng mình qua email: mevietdaycon@gmail.com. Bài viết được đăng được hưởng nhuận bút theo quy định.
Một số bé gái mới 3,4 tuổi nhưng đòi mẹ mua những bộ đồ ôm sát, váy ngắn ôm mông khoe đường cong cơ thể. Cha mẹ và người lớn xung quanh không những không định hướng cho bé quần áo phù hợp với lứa tuổi mà con xuýt xoa khen con xinh đẹp, sành điệu, vỗ tay hay tán thưởng khi con giả vờ làm người mẫu, ngoáy mông đi lại trong nhà.
Nhiều bà mẹ khác lại thích con gái nhỏ của mình mặc những bộ đồ múa, thể dục thẫm mỹ, thường xuyên chở con từ lớp học múa về nhà với trang phục đó. Cả mẹ và con đều rất tự hào khi đi trên đường được nhiều người chú ý, nhìn ngắm. Nếu điều này diễn ra thường xuyên, người lớn không định hướng kịp thời, các cô bé sẽ có xu hướng quan tâm quá nhiều vào vẻ bên ngoài, cho rằng điều quan trọng nhất đối với con gái là phải sexy, thu hút.
Tuy nhiên, theo bác sĩ nhi khoa, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Lan Hải, còn có một nguy cơ khác từ việc cho con mặc váy ngắn, ôm sát: Cha mẹ vô tình “gợi ý” con mình cho “yêu râu xanh”.
Các bé bây giờ được chăm sóc tốt, ăn mặc đẹp, trông mũm mỉm, mịn màng, rất dễ dàng lọt vào tầm ngắm của kẻ xấu. Nhiều bé mới 8, 9 tuổi đã dậy thì, cao ráo, chân dài, mẹ lại thích con mặc váy ngắn cho trẻ trung. Bác sĩ chia sẻ câu chuyện một bé gái mặc váy ngắn đi sửa xe đạp, người sửa xe ngồi dưới nhìn lên thấy cô bé nảy sinh lòng ham muốn, nhờ cô bé vào nhà “giúp chú một chút” để giở trò đồi bại. “Đó là những trường hợp rất đau xót. Vì thế, có những bà mẹ thà để con mình ăn mặc già đi xấu đi một chút, còn hơn là mồi ngon để bị lạm dụng.”
Một nguyên nhân khác vô tình khiến con tự nộp mình cho “yêu râu xanh” mà các bậc cha mẹ thường không để ý là không bồi đắp ở con lòng tự trọng, trân quý giá trị của bản thân, thể hiện tình yêu thương với con. Những đứa trẻ không được quan tâm, không thường xuyên nghe những lời khen ngợi, ngọt ngào của cha mẹ sẽ có xu hướng không yêu bản thân mình. Lúc đó, một chàng trai khen xinh đẹp, một ông già tỏ ra quan tâm tặng quà bánh… cũng có thể dụ dỗ cô bé nhẹ dạ.
Luật bàn tay dạy con tự bảo vệ mình
Trao đổi với phụ huynh trong hội thảo Giáo dục giới tính cho trẻ mầm non do Hội quán các bà mẹ tổ chức ngày 17/8 vừa qua, BS Lan Hải nhận định trẻ con ở thành phố kỹ năng tự bảo vệ rất kém, lỗi chính là ở người lớn chưa dạy cho con. Cha mẹ thường sợ hãi, lo lắng, tìm cách ngăn cấm gay gắt con trước những rủi ro nhưng lại quên giải thích cho trẻ vì sao và những hậu quả có thể xảy ra. Cha mẹ luôn muốn làm hộ con mọi việc và cho rằng mình có thể bảo vệ con trước mọi nguy hiểm.
Tuy nhiên, cha mẹ không thể theo con cả đời, điều cha mẹ cần làm là giúp con nhận biết, phòng tránh những nguy hiểm.
Cha mẹ có thể sử dụng Luật bàn tay như một trò chơi để dạy con về khoảnh cách đúng mực trong giao tiếp, giúp con biết cách ứng xử phù hợp với những người xung quanh, đồng thời cảnh giác và phòng tránh nguy cơ bị xâm hại.
Vòng tròn giao tiếp là vòng tròn có 5 hình tròn đồng tâm. Vòng tròn nhỏ trong cùng thể hiện mối quan hệ thân thiết, ruột thịt của trẻ như cha mẹ: trẻ có thể ngồi gần, ôm chặt, để người thân bế ẵm (cha mẹ ôm con và con vòng tay ôm cha mẹ, nói với con rằng chỉ ôm ấp âu yếm những người thân của mình như cha mẹ, ông bà thôi).
Ở vòng tròn thứ 2 (tiếp theo vòng tròn trong cùng), trẻ có thể nắm tay. Đó là những người họ hàng, thầy cô, bạn bè. Trẻ có thể bắt tay với người quen trong vòng thứ 3 và vẫy tay với những người không quen biết ở vòng thứ 4.
Ở vòng tròn ngoài cùng, trẻ sẽ xua tay với những người xa lạ và “đáng ngại” nếu họ đến gần trẻ và có những hành động thân mật. “Đáng ngại” ở đây không hẳn là mặt mũi đáng sợ hay râu ria dữ dằn mà còn nằm ở cảm nhận vốn rất nhạy bén của trẻ. Nếu con cảm thấy sợ hãi hay bất an, cùng với xua tay không cho người lạ lại gần, dạy con hét to và bỏ chạy.
Hãy cùng con luyện tập luật bàn tay nhiều lần để bé thực hành và ghi nhớ. Chẳng hạn, cha mẹ hỏi trẻ: Nếu chú hàng xóm muốn ôm con con đồng ý không? Một người lạ lại bế hay dắt tay con, con cảm thấy rất sợ, con sẽ làm gì?
Một cách hay khác để dạy các bé mầm non về việc nhận diện và ứng xử với những nguy cơ như người lạ, kẻ xấu đến nhà là sử dụng các bài hát dân gian, chẳng hạn như: Cốc cốc cốc/ Ai gọi đó/Tôi là thỏ/ Nếu là thỏ thì cho xem tai/ Nếu là nai thì cho xem gạc; Dê con xinh xắn/ Mau mở cửa ra/ Mẹ đã về nhà/ Cho con bú nhé. Từ đó, cha mẹ có thể dạy con về việc khi có người lạ đến nhà bấm chuông, con cần quan sát đó là ai, trừ những người thân trong nhà còn lại con không tự ý mở cửa.
Theo bác sĩ Lan Hải, cho con chơi đóng vai là một phương pháp tuyệt vời để con tự trải nghiệm những hoàn cảnh khó khăn và tìm cách xử trí. Cha mẹ có thể chơi với con trò chơi này hàng ngày, đặt ra các tình huống khác nhau như có người đến trường nói bố/ mẹ vào viện nên đón con giúp, người lạ theo dõi con hay khi con ở nhà một mình gặp sự cố nào đó…
Thêm vào đó, những tai nạn, câu chuyện (như bị bắt cóc, lạm dụng…) trên truyền thông đều có thể trở thành chủ đề thảo luận với con, giúp con hiểu vì sao lại như thế, trong tình huống đó nên làm gì, làm sao để tránh… Nếu có điều kiện, cha mẹ có thể cho con tham gia các khóa học võ ngắn hạn, huấn luyện trẻ những tư thế cơ bản để ứng phó trong tình huống nguy hiểm.