Lòng trắc ẩn cũng có thể bị bệnh viễn thị, khi chỉ nhìn thấy và thương cảm những gì ở xa xôi thay vì những người ngay trước mắt.
Ngày nào cũng thế, câu hỏi đầu tiên khi tôi gặp con sau giờ tan trường sẽ là “Hôm nay đi học có vui không con?” chứ không phải “Hôm nay được mấy điểm ?” như những phụ huynh khác. Có lẽ vì thế, mỗi lần đến lớp đón con, gặp các bạn nhỏ, chúng thường mỉm cười, kể cho tôi nghe những chuyện ngồ ngộ như kiểu:
NL: Cô ơi, sao cô không đánh son?
Tôi: Vì cô thích để như này hơn.
NL: Mẹ con cũng không hay đánh son, chỉ khi nào đi đám cưới hoặc… đám ma mới dùng thôi.
hoặc là:
HA: Cô ơi, có phải bố mẹ mà đánh con thì sẽ phải đi tù không?
Tôi: ừ, có thể.
HA (ngơ ngác): Thế sao bố mẹ con vẫn chưa bị đi tù?
Những câu chuyện của các bạn nhỏ luôn khiến tôi vui nhưng hôm nay thì khác. Thật chẳng biết nghĩ thế nào khi thấy mấy đứa nhỏ chu môi kể “tội” một bạn khác trong lớp, đứa nào cũng dùng gương mặt khinh bỉ nhất mà mình có, điệu bộ ghê tởm nhất mà mình từng học được từ ai đó:
TM: Có mỗi tí tiền mà cùng không chịu đóng
HA: Ừ, lại phải để cô đóng cho
TM: Từ đầu năm đến giờ chẳng chịu đóng khoản tiền nào cả.
HA: Đã thế lại còn nhuộm tóc.
Tôi đoán các bạn ấy đang nhắc đến PT, con bé nhỏ xíu và quá đăm chiêu so với một đứa trẻ 9 tuổi. Trời mùa đông, trong khi các bạn như lũ kén di động, kín từ đầu tới chân thì lúc nào bé cũng phong phanh với cái áo khoác đồng phục mỏng dính, dép xăng đan không tất. Ngày học đầu tiên sau kì nghỉ hè, mẹ PT có đi tìm cô giáo để hỏi về việc giảm trừ tiền học khi bố em, một quân nhân chuyên nghiệp, vừa qua đời sau cơn tai biến nặng. Từ đó, PT phải nghỉ học bán trú, nghỉ học thêm và loại mình ra khỏi những hoạt động vui chơi, dã ngoại tập thể mà gia đình phải tự đóng phí.
Đúng như dự đoán, trên đường về, con gái kể với tôi rằng:
– Mẹ ơi, Từ đầu năm đến giờ PT chưa đóng cả tiền phụ huynh mẹ ạ.
– Thế cô có bảo gì không?
– Cô chỉ đọc tên ai chưa đóng tiền thôi,
– Thế các bạn có bảo gì không?
– Các bạn chê PT
– Còn con thì sao?
– Con chẳng nói gì cả.
– Sao con không nói với các bạn rằng: “Khi nào các cậu tự đóng được tiền học cho mình thì lúc ấy hãy chê người khác”
Con bé không nói gì, chỉ hơi lỏng tay ôm mẹ, cử chỉ đó nghĩa là cô nàng đang ấm ức vì bị mắng oan. Đúng là tôi đã cáu giận vô cớ, con mới 9 tuổi và làm sao có thể thay đổi được những điều mà ngay cả bản thân mẹ cũng chỉ nghĩ trong đầu chứ chưa bao giờ dám nói ra.
***
Nếu dũng cảm hơn, thì trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, khi nhà trường kêu gọi ủng hộ các bạn nhỏ vùng lũ lụt, Ủng hộ quỹ khuyến học, Ủng hộ các bạn nghèo, tôi đã có thể đứng lên và nói với mọi người về trường hợp của Th (dù chắc là ai cũng đã biết), để em có cơ hội được học tập, vui chơi, giải trí như tất cả các bạn cùng lớp.
Nếu mạnh mẽ hơn, tôi đã nói chuyện với bố mẹ của những học sinh như TM và HA, để các anh chị ấy giúp cho con mình hiểu rằng một em bé 9 tuổi như PT đâu có tội khi không thể đóng tiền quý lớp, tiền nước, tiền quét dọn hay bất cứ thứ tiền gì khác nhà trường yêu cầu.
Và nếu như không sợ con mình bị “đánh dấu”, Thì tôi đã gõ cửa phòng hiệu trưởng mà đề nghị rằng: Hãy tổ chức lễ kết nạp Đội tại trường chứ không phải tận nơi dã ngoại để những học sinh nghèo, không đóng được tiền tham quan cũng có thể tham gia.
Một đứa trẻ vừa mất bố, vừa rơi vào cảnh thiếu ăn, thiếu mặc, vừa bị tước đi quyền được tôn trọng, những xáo trộn như thế đến cùng một lúc sẽ khiến con cảm thấy thế nào?
Liệu con có nghĩ rằng những bộ đồng phục chỉ là cái vỏ để mỗi tuần vài lần người ta liên tưởng đến sự công bằng?
Liệu con có thấy tủi thân khi bị cô giáo nhắc nhở không đủ tiền để đóng góp cho quỹ từ thiện, cho quỹ khuyến học, cho đồng bào bão lụt?
Và liệu con có hiểu được ý nghĩa của từ chia sẻ khi chưa bao giờ nhận được sự sẻ chia?
Tôi không giỏi tính toán, nhưng tôi biết với một lớp hơn 50 học sinh thì mỗi phụ huynh chỉ cần giúp đỡ mỗi tháng 20 nghìn, chưa bằng tiền một bát phở, để con gái một quân nhân đã qua đời có cơ hội họ tập, vui chơi và nhất là được biết rằng trên đời này vẫn còn có tình yêu thương.
***
Nếu Viễn thị nghĩa là chỉ nhìn thấy những gì ở xa mà khó nhìn thấy những gì ngay trước mắt thì tôi nghĩ ắt hẳn lòng trắc ẩn đôi khi cũng mắc bệnh khúc xạ này. Chỉ băn khoăn là chúng ta phải đeo loại kính gì để tự giúp mình đây?