Để đối phó với lệnh cấm dạy thêm học thêm, cô giáo luôn nhắc nhở học sinh không được nói thật mỗi khi có đoàn kiểm tra đến.
Đi học về, cô con gái kể chuyện: “Ngày mai lớp con có đoàn kiểm tra đến đấy mẹ ạ. Hôm nay cô dặn bọn con là, nếu mai đoàn kiểm tra đến thì các con không được nói chuyện cô dạy thêm nhé. Đấy là cô chỉ đáp ứng theo nhu cầu của bố mẹ thôi, cho nên đoàn hỏi thì các con phải nói là “cô không học thêm” nhé”.
Tôi thực sự sốc với câu chuyện mà con gái vừa kể. Hóa ra, cô giáo vẫn âm thầm dạy thêm ở nhà từ lâu bất chấp lệnh cấm dạy thêm học thêm của Bộ Giáo dục và đào tạo.
Đem câu chuyện này tâm sự với những phụ huynh ở trường khác mới thấy, dù trường lớp khác nhau nhưng “lời dạy” nói dối của các giáo viên lại khá giống nhau.
Một người bạn của tôi có con đang học lớp 3 kể: “Ở nhà bố mẹ, ông bà luôn dạy con cháu không được nói dối. Dù có làm chuyện gì sai trái thì chỉ cần dũng cảm nhận lỗi thì sẽ không bị phạt. Bên cạnh đó, gia đình tôi cũng luôn cố gắng không được nói dối để làm gương cho con. Vậy mà ở trường lại dạy trẻ những điều hoàn toàn phản giáo dục. Có lần đi học về, con kể chuyện ở lớp, cứ lâu lâu cô lại “truy bài” về việc nếu có đoàn kiểm tra đến hỏi chuyện lớp mình có ai đi học thêm không thì các con phải nói là “không” nhé.
Những tưởng chuyện dạy thêm là chuyện “nhạy cảm”, nếu đoàn kiểm tra biết thì các cô có thể sẽ bị kỷ luật nặng nên mới “bất đắc dĩ” phải dạy trẻ nói dối. Ai ngờ, gần đây nhất, cô con gái lại tiếp tục kể những lần được cô dạy cách “lươn lẹo”.
Số là nhà trường tổ chức đi tham quan cho cả trường nhân dịp kết thúc học kỳ. Do địa điểm tổ chức tham quan vào đúng ngày lễ, sợ cảnh đông đúc nên tôi không đồng ý cho con đi. Hơn nữa, địa điểm đó con cũng đi nhiều rồi và thấy không thích như những lần trường tổ chức đi xem phim, xem xiếc, trải nghiệm ở nông trại… Vậy là cô yêu cầu phải viết giấy nghỉ phép vào hôm đó cho “hợp lệ”.
Lạ ở chỗ, bình thường, giấy xin nghỉ phép phải do bố mẹ viết thì cô lại yêu cầu học sinh viết và dặn ghi lý do xin nghỉ là “bị ốm”. Con gái tôi có thói quen là ở trường xảy ra chuyện gì thì đều về kể với mẹ, khi là chuyện vui, khi là chuyện băn khoăn. Nhờ đó mà tôi nắm được nhiều thông tin ở trường để có ý kiến với ban giám hiệu khi có dịp.
Hóa ra, ở lớp con tôi còn có mấy học sinh nữa cũng không đi thăm quan đợt này nên đều phải viết giấy nghỉ phép. Chính vì vậy, nếu học sinh nào cũng ghi lý do nghỉ là “ốm” thì nghe chừng không ổn. Vậy là cô phải nghĩ ra cho mỗi học sinh một lý do khác nhau: về quê, đi du lịch, bị đau khớp…
Hài nhất là có bạn ghi lý do là “vì ông ngoại mất nên đau buồn không đi học được”, nhưng theo lời con gái tôi kể thì “ông bạn ấy đã mất cả tháng nay rồi mẹ ạ”. Vậy là vì để “hợp thức hóa” lý do không đi thăm quan, ông ngoại của học sinh kia đã được cô giáo cho “chết” thêm lần nữa.
Giờ thì tôi đã hiểu, lý do vì sao mà có nhiều phụ huynh hay than phiền chuyện con cái giả mạo chữ ký của cha mẹ khi bị viết bản kiểm điểm hay nói dối mỗi khi gặp phải vấn đề “dù trước đến nay con chưa nói dối bao giờ”. Điều trái ngược ở chỗ, mỗi khi trẻ làm điều này và bị cô giáo phát hiện thì đều gọi phụ huynh lên để “giáo dục” bài học về tính nguy hại của việc nói dối. Trong khi đó, bản thân các cô vì sợ kỷ luật, vì sợ ảnh hưởng đến thành tích của lớp mà luôn dạy trẻ phải nói theo “chỉ đạo”.
Trẻ con như tờ giấy trắng, nếu một khi chúng được “vẽ đường” để nói dối từ chính những người mà chúng luôn coi là mẫu mực, là chỉ có đúng chứ không có sai thì không có lý do gì để chúng “thực hành” chuyện lừa lọc bạn bè, cha mẹ khi có điều kiện. Biết đâu, từ chuyện nói dối này sẽ là mầm mống cho những việc làm tồi tệ khác của trẻ trong tương lai…