Chị tôi khoe rằng, con của chị rất thông minh, mới bốn tuổi mà đã đếm được từ 1 đến 100, và biết đủ 24 chữ cái. Hơi ngạc nhiên nên cách đây ít hôm tôi ghé nhà chị, thấy cháu đang làm quen với những con số mà mẹ cháu hướng dẫn.
Thấy cậu đến nhà chơi, thằng bé chạy tới khoe: “Cháu biết được đủ các số từ số 1 đến số 10 rồi cậu ạ”. Tôi tỏ ra phấn khởi và nói với cháu: “Vậy cậu thưởng cho cháu kem nhé”. Tôi mua đủ số kem để cả nhà cùng ăn. Thấy tôi mua kem về, bé chạy đến và hỏi: “Cậu ơi! Để cháu đếm số kem cho cậu xem: một cái, hai cái, ba cái… bảy cái. Cậu ơi sao cậu chỉ mua bảy cái, nhà mình tám người kia mà cậu”. Rõ ràng tôi mua đủ số lượng, bảy chiếc kem màu hồng và một chiếc kem màu trắng nhưng thằng bé nhất định không đếm số kem khác màu. Bé chạy lại mách mẹ: “Mẹ ơi cậu mua chỉ có bảy chiếc thôi mẹ ạ”. Chị tôi nói: “Có đủ tám chiếc đấy con”. Bé dứt khoát khẳng định: “Có bảy thôi mà mẹ”. Bé lại dẫn mẹ đến đếm cùng, hóa ra chiếc kem màu trắng cháu không tính vì cháu chỉ đếm số kem màu hồng. Lúc đó tôi liền lấy một tờ báo trên bàn có số 2 cỡ chữ to trên trang bìa.
Tôi hỏi: “Cháu biết số này là số mấy không?”. Thằng bé lúc lắc. Tôi nói với cháu: “Cháu biết số 2 rồi kia mà, đây là số 2 đấy”. Bé đáp: “Không, cháu biết số 2 màu xanh mà mẹ mua cho, còn số này màu đen không phải số 2”. Lúc hai cậu cháu ra ngoài sân chơi, thấy máy bay bay trên trời, thằng bé lại hỏi cậu: “Cậu ơi sao máy bay kia nhỏ vậy mà máy bay mẹ cháu mua thì lại to hơn?”. Tôi nói: “Vì nó bay cao nên trông nó nhỏ cháu ạ, nếu nó bay thấp thì sẽ to hơn”, nhưng thằng bé có vẻ không bằng lòng. Tôi liền lấy viên phấn vẽ xuống đất số 0 nhưng hơi méo, tôi hỏi cháu: “Đố cháu số này là số mấy?”. Cháu lại lắc đầu. Tôi nói: “Đó là số 0 đấy”. Thằng bé lại không đồng ý, cháu nói ngay: “Số 0 tròn và nhỏ chứ đâu phải như cậu vẽ to vậy”…
Đến lúc này tôi mới nhận ra rằng việc dạy chữ, dạy số cho bé bằng từ ngữ và con số quen thuộc khiến bé ghi nhớ một cách máy móc. Lẽ ra, bốn tuổi đã có thể biết so sánh và đối chiếu về kích cỡ, xác định được không gian, vị trí, sự liên kết của các đồ vật cũng như hình ảnh xung quanh, thậm chí bé phải biết nhóm các đồ vật lại với nhau (dù to hay nhỏ, dài hay ngắn nhưng cùng loại). Việc chị tôi dạy cháu như vậy đã ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển tư duy và trí tưởng tượng của bé. Đó không phải là biểu hiện bé thông minh mà ngược lại, người lớn đang dạy cho cháu lối suy nghĩ máy móc, dẫn đến tư duy chậm phát triển.
Lên bốn tuổi cũng là giai đoạn “cửa sổ cơ hội”, các bé có nhiều khả năng học hỏi được nhiều thứ, người lớn nên hướng dẫn và tổ chức hợp lý để các bé có thể làm quen với thế giới đồ vật thật phong phú, đa dạng, đó mới là cách để giúp con phát triển một cách tích cực. Có lẽ, cách dạy con kiểu “đồng màu, đồng chất” như chị tôi cần phải xem lại.