Dư luận vẫn còn bàng hoàng tin chuyện một bé trai 8 tuổi bị bố ruột đánh đến chết. Em chết trong tức tưởi, cô độc. Không ít người thương xót cho số phận bất hạnh của em và lên án ông bố độc ác. Tôi cũng từng có một tuổi thơ bất hạnh, luôn bị ngược đãi, bạo hành nên hơn ai hết tôi hiểu nỗi khổ của một đứa trẻ khi bị bố mẹ ruột bỏ rơi.
Nhà tôi có 6 anh em, em trai Út của tôi bị hội chứng Down. Một đàn con thơ nheo nhóc, cha mẹ tôi vắt kiệt sức lực cũng không kiếm đủ tiền nuôi con. Chúng tôi lớn lên trong sự đói khát, thiếu thốn. Khi tôi lên 6 tuổi, mẹ tôi đành phải để lũ con nhỏ ở nhà, lên thành phố tất tả mưu sinh. Một năm mẹ chỉ về nhà một lần, ở với các con được vài ngày Tết rồi lại đi lên thành phố. Từ ngày mẹ tôi đi làm ăn xa, bố tôi đổ đốn, sa vào rượu chè bê tha. Tuổi thơ tôi và các anh chị của mình luôn hứng chịu đòn roi của bố. Không biết bao nhiêu lần, chân tay tôi tứa máu, những vết sẹo chằng chịt, chồng chéo lên nhau.
Trong một lần say rượu, bố tôi nằm ngủ dưới đất, trúng gió và mất. Mẹ tôi về đưa các con lên thành phố. Ba người anh chị đầu của tôi khi ấy đã ở tuổi thiếu niên, người thì đi phụ rửa xe, người bưng bê hủ tiếu cho người ta. Còn người chị thứ Tư, tôi và đứa em trai Út còn nhỏ, không ai nhận vào làm. Vì việc buôn thúng bán bưng bấp bênh, bữa đói bữa no nên mẹ đành gửi chị Tư và tôi cho người dì nuôi. Dì tôi không có con, chồng đi lấy vợ nhỏ. Mẹ để chúng tôi làm con nuôi của dì.
Thời gian đầu, dì đối xử với chị em tôi rất tốt. Nhưng một thời gian sau, dì thay đổi, dễ cáu giận, luôn tìm lí do chửi bới, la mắng hai chị em tôi. Dì sắm một cái tủ kính nhỏ, đặt ở ngoài đường và mỗi tối bắt chị em tôi ra đường bán thuốc lá. Mỗi khi hai chị em tôi làm việc gì không vừa ý, dì sợ dọa nạt, chửi bới chúng tôi sẽ chạy trốn nên dì thường làm bộ nói ngọt, dỗ dành chúng tôi vào nhà, đóng cửa lại, đánh tới tấp. Những khi chị em tôi bán chậm, không có tiền đưa cho dì thế nào về nhà, dì cũng lấy móc sắt phơi áo đánh không thương tiếc. Mặc cho chị em tôi khóc lóc, van xin, dì vẫn không tha. Mỗi lần kết thúc trận đòn, từ phần mông đến khắp đùi của chị em tôi tứa máu.
Không những đánh đòn, dì còn thường xuyên bỏ đói chúng tôi. Mỗi bữa, dì chỉ cho chúng tôi ăn lưng chén cơm với nước mắm. Chị Tư ở tuổi 12, tôi đã lên 8 tuổi. Lứa tuổi luôn thèm ăn nhưng phải chịu cảnh đói khát. Hôm nào đổi món thì có rau muống luộc, đầu cá khô. Một lần nhà mất cục xà bông tắm, dì nghi ngờ chị em tôi lấy cắp nên đánh hai chị em mỗi người 30 móc sắt. Dì hết căn vặn đến tra hỏi xem hai chị em tôi giấu cục xà bông tắm ở đâu? Ấm ức vì bị đổ oan, chị Tư đi mua một bịch thuốc ngủ về chia cho cả tôi uống. Hai chị em ngủ li bì đến khi tỉnh lại thì đang nằm trong bệnh viện. Mẹ thấy chị em tôi tỉnh lại liền òa khức tức tưởi.
Sau lần uống thuốc ngủ chết hụt ấy, mẹ dẫn chị em tôi về nuôi, chăm sóc. Mẹ nấu một gánh xôi. Từ 2-3 giờ sáng, chị em tôi đã phải dậy sớm phụ mẹ nấu, dọn hàng ra bán. Tuy cực nhọc, vất vả nhưng chúng tôi không còn hứng chịu đòn roi vô cớ, không phải sống trong nơm nớp lo sợ. Ban ngày, tôi và chị thay phiên nhau giữ em Út, phụ mẹ bán xôi. Gánh xôi của mẹ vừa rẻ, vừa ngon nên người mua kéo đến ngày một đông. Buôn bán có tiền, mẹ cho chị em tôi đi học bổ túc.
Dù quãng thời gian ở với bố và dì bị hành hạ, đánh đập không kéo dài nhưng đến khi lớn lên, mỗi lần nghĩ lại, tôi không khỏi bàng hoàng sợ hãi. Thậm chí có những đêm trong giấc ngủ mộng mị, tôi vẫn thấy người dì độc ác, vung móc sắt đánh tới tấp vào người mình hay cảnh bố say rượu rượt tôi chạy khắp xóm. Tôi muốn viết ra câu chuyện này để nhắn gửi đến những người làm cha, làm mẹ, dù cuộc sống có khó khăn, vất vả đến đâu cũng đừng bỏ rơi con cái của mình. Hãy yêu thương, quan tâm và chăm sóc những núm ruột của mình. Trẻ nhỏ luôn non nớt, yếu đuối cả sức khỏe lẫn tinh thần, nếu không có ai bảo vệ, chúng sẽ dễ dàng đối mặt với hiểm nguy. Nếu những ngày tháng tuổi thơ phải hứng chịu sự ngược đãi, bất công, cả cuộc đời sau này của trẻ sẽ chịu những tổn thương, ám ảnh mà thời gian không dễ gì xóa mờ được.