Con gái Susu của tôi mười tuổi, chiều cao trung bình, vẻ ngoài không đẹp lắm. Susu chưa dậy thì, nhưng tóc dài, da mịn, luôn thơm tho sạch sẽ. Mỗi khi tôi dắt con đi chơi chung với con cái của đồng nghiệp, Susu thường nhận được nhiều lời trầm trồ, khen ngợi là “ra dáng”. Với hai mẹ con tôi, điều này không phải tự dưng hoặc dễ dàng mà có.
Ngay từ bé, tôi đã nhận ra, Susu chỉ là một cô bé bình thường, không có tư chất hay năng lực gì đặc biệt. Tôi cũng không phải bà mẹ thích kỳ vọng ở con những điều cao siêu, nổi bật. Tôi chỉ mong muốn con gái tôi lớn lên không tẻ nhạt, tầm thường là mãn nguyện rồi.
Có người ngạc nhiên khi hỏi, với con gái thì điều gì quan trọng nhất, Susu sẽ trả lời theo “đáp án của mẹ”: vẻ đẹp! Tôi dạy con theo quan niệm đầy thực tế rằng, tuy cái đẹp không đến mức… đánh bẹp cái nết, nhưng giữa thời buổi này, xấu xí chỉ chuốc lấy thua thiệt. Vẻ ngoài là do trời sinh, nhưng bản thân mình có thể giữ gìn, nâng cấp bằng những cách như: ngủ sớm, uống sữa nhiều cho cao, ăn uống hợp lý, năng vận động…
Tôi thường nhắc con gái chớ bao giờ ăn mặc luộm thuộm mà xuất hiện trước mặt người khác. Còn quá bé để biết “tự tin vào bản thân” nghĩa là gì, nhưng Susu đã có thể mạnh dạn, thoải mái ở nơi công cộng.
Tôi cũng chỉ cho con cách cư xử với bạn bè khác giới như thế nào cho phải. Không được run sợ, càng không để bị trêu chọc, hiếp đáp. Có dạo, Susu tăng cân, đi học về khóc kể, bị bạn nam nắm tóc chọc quê là “béo như xe kẹo kéo”. Tôi nhẹ nhàng bảo, thì con cứ thản nhiên trả lời: bạn ăn nói vô duyên! Lỡ bạn đánh con thì sao? Cần thì con cứ nhào vô, “dạy” cho bạn mấy cái để biết thế nào là lịch sự. Con gái mẹ khỏe mạnh nhanh nhẹn lắm mà, đúng không?
Sau lần đó, Susu không còn bận tâm nhiều đến những lời khó nghe của người khác nữa. Tôi mừng vì con gái đã hiểu đúng, thông suốt suy nghĩ: không ai có thể bảo vệ con tốt hơn chính bản thân con. Chỉ cần con đừng hèn nhát là được.
Tôi hướng dẫn Susu đọc nhiều sách báo thiếu nhi có chọn lọc. Tôi không bắt con tập đàn hay học vẽ, nấu ăn, nếu như con không thích. Tôi chỉ muốn con mở rộng vốn từ, có hiểu biết chung về cuộc sống, gia đình, xã hội chung quanh. Khi bên ngoài xảy ra chuyện gì, tôi thường chia sẻ với con thông tin, cả bài học kín đáo phía sau đó. Như chuyện xảy ra tai nạn giao thông cho mấy mẹ con trên đường tới trường, hoặc trẻ em bị bắt cóc, bé gái bị lạm dụng, những thủ đoạn lừa đảo, dụ dỗ quen thuộc… chẳng hạn.
Không như nhiều đứa trẻ khác, đi học về là lo tắm rửa, ăn uống, học hành vui chơi, Susu ngay từ bé đã được huấn luyện đỡ đần việc nhà. Tôi không chấp nhận được cảnh bà mẹ đầu tắt mặt tối trong bếp, trong khi mấy đứa con vô tư cười giỡn, thản nhiên chờ cơm, chẳng chút bận tâm hay trách nhiệm gì. Nhưng tôi không bao giờ dạy Susu rằng, vào bếp là bổn phận của riêng con gái, của mẹ hay của bà, mà việc nhà là trách nhiệm chung. Hãy nhắc ba, em trai cùng chia sẻ. Chẳng có gì phải ngại ngùng khi kêu gọi sự giúp đỡ của người khác giới, không nên ôm đồm, cầu toàn…
Đương nhiên, tôi không quên dạy Susu cách bảo vệ cơ thể mình, tránh bị xâm phạm. Nâng niu chính mình là thông điệp tôi muốn con nắm rõ nhất. Những khái niệm như con gái buộc phải thế này thế nọ, tôi vô cùng hạn chế tiêm vào đầu óc con trẻ. Có thật sự cần thiết phải quàng lên cổ một cô bé bao nhiêu áp lực, định kiến xưa cũ, để rồi mai này nó tự làm khổ mình khổ người vì bao nhiêu lăn tăn vụn vặt kiểu ấy? Tôi muốn con gái tôi sống thảnh thơi nhẹ nhõm, biết chăm lo cho bản thân, không ích kỷ lười biếng, đừng nhìn ngó ai để mà đua đòi, giỏi cái gì thì cứ làm cái đấy. Đơn giản vậy thôi. Thế nhưng, thổ lộ điều này với các bà mẹ khác, tôi lại bị “ném đá”, cho rằng tôi quá nuông và “thả” con, không “rèn” thì sau này con bé dễ sa đà vô chuyện điệu đà, chưng diện, thậm chí chảnh chọe… Nhưng tôi tin rằng, những điều mình dạy con đều thiết thực, nằm trong tầm kiểm soát của một bà mẹ.