Nếu ngay từ khi còn nhỏ các bé trai đã được dậy rằng: Con trai khóc là xấu, con trai khóc là đáng khinh, con trai khóc là đồ “con gái” thì làm sao chúng dám tiếp tục khóc nhè nữa
Mỗi lần thấy con khóc, chồng tôi thế nào cũng bực bội: Nín đi, con trai ai lại khóc nhè? .
Và mọi người vẫn nói thế: Các cậu bé, chớ có khóc nhè!.
Vì sao ư? Vì các cậu bé sẽ thành các chàng trai. Các chàng trai sẽ thành những người đàn ông, và ai chấp nhận được một người đàn ông cao lớn, vạm vỡ, có râu, là trụ cột gia đình, là dường cột của xã hội mà lại ngồi khóc lóc như đàn bà?
Vậy ra ngoài cái gông “tam tòng, tứ đức”, phụ nữ còn ối thứ để mà độc quyền, nào là sự chung thủy, nhẫn nhịn, nào là tính khoan dung, độ lượng, dịu dàng nết na, và cả thứ quý giá như nước mắt (Nó quý giá vì nó cũng là một cách thể hiện cảm xúc của con người, giúp chúng ta loại bỏ những tich tụ tiêu cực của cảm giác không thể nói ra, mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe).
Nhiều nghiên cứu nói rằng con trai ít khóc hơn vì lượng hoocmon đặc trưng trong cơ thể khiến họ như vậy, nhưng tôi luôn nghĩ việc đó là do tác động của những quy chuẩn xã hội qua nhiều thế hệ tạo thành, kiểu như một loại phản xạ có điều kiện trong suốt hàng nghìn năm. Nếu ngay từ khi còn nhỏ các bé trai đã được dậy rằng: Con trai khóc là xấu, con trai khóc là đáng khinh, con trai khóc là đồ “con gái” thì làm sao chúng dám tiếp tục khóc nhè nữa . Và như thế, kể từ trước ngày Quan Vũ đời Tam quốc ngồi chơi cờ để Hoa Đà cạo xương mà mặt không biến sắc đến nay, việc các chàng trai khóc vì đau đớn hay buồn bã vẫn được coi là điều đáng hổ thẹn ngay với chính bản thân họ.
Vậy là thay vì thuận theo tự nhiên, để nước mắt rơi mỗi khi buồn và đau đớn, những cậu bé được tất cả mọi người dậy cách xây lên con đê ngăn nước mắt. Họ coi việc đó như cách thể hiện sức mạnh, lòng can đảm và sự kiên cường.
Nhưng, nếu nước mắt của đàn ông bị ngăn không cho chẩy ra ngoài, thì nó sẽ tích lại ở đâu?
846/ 1000 ca tự sát là nam giới
Chương trình Chiến dịch chống cuộc sống đau khổ (CALM) của Anh cũng khẳng định “tự sát là nguyên nhân số 1 cướp đi mạng sống của nam giới” nước này với tỷ lệ trung bình mỗi ngày có tới 3 người tự tìm đến cái chết. Theo số liệu thống kê năm 2011, số nam giới trẻ tuổi tại Anh và xứ Wales chết vì tự sát thậm chí còn cao nhiều hơn so tổng số người chết vì tai nạn giao thông, ám sát và HIV/AIDS cộng lại. Trong 1.000 ca tự tử thì có đến 846 nạn nhân là nam giới.
Nhiều nguyên nhân được đưa ra:
1. Tồn tại một “rào cản văn hóa” ngăn không cho nam giới tìm tới sự tư vấn giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý.
2. Cuộc sống trong xã hội hiện đại luôn kỳ vọng người đàn ông đủ cứng rắn và miễn nhiễm với tình trạng căng thẳng, mất kiểm soát. Do đó, những người không đạt được tiêu chí trên thường cảm thấy bất lực và thiếu khí chất nam nhi.
3. Ngại khóc hoặc cố kìm nén cảm xúc khiến nam giới không giải tỏa được áp lực, tích tụ lâu dần khiến họ dễ mắc chứng trầm cảm, từ đó dẫn tới tự sát.
***
Khi đọc tiểu sử cua Hitler, tôi biết người đàn ông này rất ít khóc và thể hiện cảm xúc. Trong suốt cuộc đời, ông ta chỉ khóc có 2 lần, một là trươc mộ mẹ và hai là khi nghe tin Đức đế quốc sụp đổ. Tôi cứ nghĩ…ai biết đâu đấy, nếu Hitler biết khóc, thì thế chiến thứ 2 đã chẳng xẩy ra.