Từ nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT đã triển khai công tác phòng chống đuối nước và thí điểm dạy bơi cho các trường tiểu học giai đoạn 2010-2015 với mục tiêu giảm thiểu các tai nạn về sông nước cho học sinh.
Đây là một môn kỹ năng sống cần thiết với học sinh, tuy nhiên cách thực hiện lại luôn gặp nhiều vấn đề khi số giáo viên dạy bơi thì ít mà lớp học lại đông học sinh đang ở lứa tuổi nghịch ngợm, hiếu động, khó quản. Trong khi đó, hầu hết các trường đều không có hồ bơi riêng mà phải đi thuê, thậm chí, giáo viên cũng phải thuê bên ngoài đồng nghĩa với chuyện nhà trường không hề có sự chủ động để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa nước nổi hay nắng hè hanh hao là những vụ học sinh chết đuối lại khiến xã hội day dứt trước những mầm non phải lìa đời quá sớm. Nguyên nhân thì có nhiều, do người lớn bất cẩn, học sinh nghịch ngợm, công trường thi công tắc trách… nhưng tựu trung lại phần nhiều là do lũ trẻ chưa có kỹ năng bơi lội.
Mới đây, trưa 2/4, hai học sinh trường Tiểu học A Cương (xã A Vương, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) đi tắm sông đã bị nước cuốn trôi và phải 20 giờ sau mới tìm được thi thể của 2 em. Đây chỉ là 1 trong rất nhiều vụ trẻ em bị chết đuối trên cả nước. Theo một số liệu thống kê được bác sỹ Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em đưa ra tại buổi tập huấn nâng cao phòng chống đuối nước trẻ em tổ chức tại Đà Nẵng ngày 7/11/2013 thì trong 5 năm (2009-2013) trung bình mỗi năm có khoảng 3.558 trẻ bị chết đuối. Từ năm 2001-2012 đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em trong số các vụ tử vong do tai nạn thương tích ở Việt Nam.
Trước tình hình này, từ năm 2010, Bộ GD&ĐT đã triển khai công tác phòng chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2010-2015. Theo đó, các tỉnh, thành phố triển khai mô hình thí điểm bơi trong trường tiểu học bằng các hình thức phù hợp với từng nơi với đối tượng dạy bơi tập trung vào khối lớp 4 và mở rộng dạy cho học sinh khối 3 và 5. Vào các dịp hè, ngày nghỉ trong tuần, các trường cần tổ chức dạy bơi cho học sinh hoặc lồng ghép với những tiết dạy bơi vào chương trình môn học giáo dục thể chất để “xóa mù bơi” cho học sinh, tránh được các tai nạn đáng tiếc do đuối nước.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện mô hình này không phải dễ dàng khi hầu hết các trường tiểu học, THCS ngay cả tại các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội đều không có hồ bơi riêng mà phải đi thuê. Bên cạnh đó, nhiều hồ bơi nếu không đủ về số lượng thì cũng không đáp ứng đủ tiêu chuẩn riêng cho những học sinh học bơi ví như độ sâu bể bơi, độ trơn trượt hay mức nước…
Lo ngại nhất có lẽ phải kể đến việc lớp đông học sinh, có thể lên tới 50-60 cháu mà lại chỉ có một giáo viên quản lý, cũng không hè có đội cứu hộ tại chỗ khiến việc dạy bơi các em trở nên nguy hiểm. Bởi khi có sự cố xảy ra, một giáo viên không đủ khả năng để xử lý tình huống trong khi những em khác trong lớp cũng cần phải trông chừng. Trước đó, vào đầu tháng 3/2014, một học sinh nam lớp 6 trường THCS Trần Quang Khải (quận Tân Phú, TP.HCM) đã bị chết đuối ngay trong giờ học bơi đầu tiên là minh chứng cho những bất cập này khi để 3 giáo viên quản lý tới tận 102 học sinh.
Vì vậy, mục tiêu giáo dục đặt ra bao giờ cũng đúng hướng nhưng cách thực hiện còn nhiều vấn đề bất cập khiến bất cứ một quy định nào mới ra của Bộ GD&ĐT cũng khiến phụ huynh lo ngay ngáy. Thực chất, triển khai dạy học sinh học bơi đã có nhiều trường làm, xong năm nào cũng vậy, đó chỉ là giờ “vầy nước” là chính, còn chuyện trẻ có bơi được hay không, trường cũng tự biết cả, chỉ vì quy định đã ban ra thì phải cố mà làm thôi.