Phương pháp nuôi con kiểu gần gũi gắn bó sẽ mang đến những điều tốt đẹp nhất cho cả con và cha mẹ.
Muốn nuôi dạy con theo phương pháp này, bạn cần ghi nhớ những điều sau đây:
Mối liên kết sau khi sinh con
Hành động của cha mẹ sau khi sinh sẽ tác động tới mối dây liên kết gắn bó từ khi con còn nhỏ. Có thể nói, thời điểm vài ngày cho tới vài tuần sau khi sinh con là một giai đoạn nhạy cảm. Vào giai đoạn này, mẹ và con rất muốn được gần gũi với nhau. Mối quan hệ gắn bó sau khi sinh giúp con hình thành những hành vi thúc đẩy sợi dây liên kết về mặt sinh học giữa mẹ và con. Điều này đồng thời cũng giúp người mẹ chăm sóc con tốt hơn. Nhìn chung, cả mẹ lẫn con cần bắt đầu vào thời điểm mà trẻ cần mẹ nhất, còn mẹ thì sẵn sàng chăm sóc con nhất.
“Nếu có chuyện gì đó xảy ra khiến tôi và con không thể gắn kết ngay lập tức?”
Đôi khi những vấn đề về sức khỏe của trẻ sơ sinh khiến bạn phải cách xa con một thời gian. Nhưng sau đó, khi 2 mẹ con gặp nhau, mối dây liên kết sẽ hình thành ngay lập tức.
Cho con bú
Hành động này giúp bạn đọc được tín hiệu và ngôn ngữ cơ thể của con. Đây là bước cần thiết đầu tiên để hiểu về con. Cho con bú sẽ mang đến cho cả mẹ và con khởi đầu tốt đẹp trong cuộc sống. Sữa mẹ có chứa các chất dinh dưỡng thúc đẩy não bộ phát triển, tốt hơn nhiều so với sữa bột. Ngoài ra, việc cho con bú sẽ kích thích cơ thể sản xuất prolactin và oxytocin, các loại hormone làm tăng tình cảm giữa mẹ và con.
Địu con
Hành động này sẽ làm tăng sự nhạy cảm của các bậc cha mẹ. Khi con luôn gần gũi với bạn, dĩ nhiên bạn sẽ hiểu con hơn. Ngoài ra, những đứa trẻ được mẹ địu trên lưng thường ít quấy khóc hơn.
Sắp xếp giường gần con
Nơi nào mà tất cả các thành viên trong gia đình đều có được giấc ngủ ngon thì nơi đó là sự sắp xếp phù hợp dành cho gia đình bạn. Nằm gần con sẽ giúp các bậc cha mẹ bận rộn có thời gian dành cho con vào ban đêm. Ngoài ra, có không ít em bé cảm thấy sợ hãi khi màn đêm buông xuống. Do đó, ngủ gần cha mẹ sẽ làm giảm cảm giác lo lắng và giúp trẻ nhận ra rằng giấc ngủ là một trạng thái dễ chịu và không hề mang đến cảm giác sợ hãi.
Hiểu được tiếng khóc của bé
Tiếng khóc của trẻ sơ sinh là dấu hiệu của sự sống, đồng thời cũng thể hiện sự phát triển của các bậc cha mẹ. Nếu bạn phản ứng một cách tinh tế với tiếng khóc của trẻ, bạn sẽ xây dựng được lòng tin ở con. Trẻ tin rằng bố mẹ sẽ đáp ứng các nhu cầu của chúng. Còn cha mẹ thì dần tin tưởng vào khả năng đáp ứng nhu cầu của chính bản thân mình. Điều này làm tăng cơ hội giao tiếp giữa cha mẹ và con cái. Nên nhớ, tiếng khóc của trẻ chính là một hình thức giao tiếp.
Cân nhắc các lời khuyên về nuôi dạy con
Khi áp dụng phương pháp nuôi con kiểu gần gũi gắn bó, bạn cần sáng suốt trước những lời khuyên, lời tư vấn mà mình nhận được. Nên cảnh giác trước những cách nuôi dạy con cứng nhắc, khiến bạn chỉ quan tâm tới những thứ khác chứ không thực sự để tâm đến con mình. Phương pháp nuôi dạy con như vậy sẽ tạo ra khoảng cách, làm bạn không thể hiểu được con.
Cân bằng cuộc sống
Khi có con, các bậc cha mẹ sẵn sàng hi sinh mọi thứ, kể cả nhu cầu bản thân và cuộc hôn nhân của chính mình để chăm sóc con. Tuy nhiên, bạn nên biết rằng mình phải tìm được sự cân bằng , biết lúc nào thì nói “có”, lúc nào thì nói “không”. Đặc biệt là khi bạn cần sự giúp đỡ, đừng ngần ngại nói ra điều đó