Chế độ nghỉ thai sản chỉ cho phép các bà mẹ nghỉ sau sinh đến 6 tháng, trong khi các trường mầm non công lập đều không nhận trẻ dưới 2 tuổi. Các trường ngoài công lập thì lộn xộn, bát nháo về chất lượng cũng như phương thức hoạt động. Bởi vậy, nhiều gia đình trở nên căng thẳng trước việc tìm chỗ gửi con để có thể đi làm mưu sinh.
Hiện TP.HCM có 419 trường mầm non công lập, 2.987 nhóm lớp, trường mầm non tư thục trong đó có 1.959 nhóm, lớp, trường mầm non tư thục có phép, 1.028 nhóm, lớp, trường mầm non tư thục không phép. Tuy nhiên, chỉ qua đợt kiểm tra cuối năm, thành phố đã phát hiện và giải tán 866 nhóm, lớp, trường không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, tập trung nhiều tại quận Bình Tân và Thủ Đức.
Tại Hà Nội cũng diễn ra tương tự khi các trường công lập chỉ nhận trẻ từ 2,5 tuổi. Các cơ sở mầm non ngoài công lập cũng rất ít nơi nhận trẻ dưới 1 tuổi, do đó, hầu hết trẻ ở lứa tuổi này chỉ có thể gửi vào các nhóm lớp tư nhân. Vậy nhưng tình trạng trẻ bị bạo hành, ăn bớt, bảo mẫu thiếu tâm đức cũng như tính giáo dục ở khối ngoài công lập như vừa qua khiến dư luận cảm thấy e ngại và e dè khi quyết định chọn nơi trông giữ trẻ.
Song nhu cầu thực tế là rất cao, đặc biệt là những khu vực tập trung các khu công nghiệp, nhà máy, văn phòng. Nhiều phụ huynh đã chấp nhận rủi ro gửi con ở các nhóm trẻ tư nhân song mức phí không hề rẻ, vượt cả mức thu nhập của phụ huynh. Không ít gia đình phải chịu cảnh chia ly khi gửi con về quê để có thể tiện bề đi làm hoặc buôn bán kiếm tiền mưu sinh.
Tại cuộc họp thành ủy TPHCM chiều qua, Đề án thí điểm giữ trẻ từ 6-36 tháng tuổi tại 8 trường mầm non ở 8 quận huyện đã được đưa ra bàn thảo. Giám đốc Sở GD&ĐT TP, ông Lê Hồng Sơn đã kiến nghị các quận huyện cần quan tâm đầu tư xây dựng trường mầm non ở 11 phường trên địa bàn TP chưa có trường mầm non công lập. Tuy nhiên, cơ sở công lập trông dạy trẻ từ từ 6-36 tháng vẫn chưa thể thực hiện đại trà do chưa có giáo trình đào tạo dạy trẻ từ 6-12 tháng tuổi, cơ sở vật chất lẫn đạo ngũ giáo viên vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, trước mắt, việc chăm sóc, trông giữ trẻ trong nhóm tuổi này, Sở GD&ĐT đề xuất thí điểm tại 8 trường mầm non của 8 quận huyện tập trung đông công nhân và người lao động là Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, quận 12, quận 7.
Bí thư thành ủy Lê Thanh Hải khẳng định trong vòng 2 năm 2014, 2015 thành phố sẽ phủ kín điều kiện chăm lo cho các cháu từ 12 tháng tuổi trở lên, từ cơ chế chính sách, cơ sở vật chất nuôi dạy trẻ đến đội ngũ giáo viên. Sở GD&ĐT xây dựng ngay kế hoạch đào tạo giáo viên mầm non, cũng như cơ chế chính sách…; lập đề án có lộ trình về việc nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi và phải hoàn thành vào cuối tháng 2. Khi xây dựng đề án cần tính đến tất cả số trẻ trên địa bàn, bởi TP sẽ chăm lo cho tất cả các cháu, không phân biệt trẻ có hộ khẩu hay KT3, KT4”.
Nếu việc trông dạy trẻ từ 6-36 tháng tuổi được phổ cập đại trà tại các trường mầm non thì sẽ giảm gánh lo cho các bậc phụ huynh. Tuy nhiên việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ lứa tuổi này rất phức tạp và dễ gặp rủi ro. Trong khi đó, thành phố đang thiếu giáo viên, một lớp nhà trẻ chỉ nhận từ 4-6 cháu cũng mất hai cô giáo rồi. Trong khi đó, ở lớp mầm, chồi, lá (từ 3-5 tuổi) chỉ với hai cô giáo có thể nhận 30 học sinh. Hơn nữa, để chăm lo được cho trẻ 6 tháng tuổi phải tăng cường bổ sung các trang thiết bị như bình ủ sữa, máy xanh sinh tố, bình nóng lạnh… đồng thời giáo viên cũng cần có chuyên môn và kinh nghiệm nhiều hơn nên việc thí điểm hay phổ cập đại trà trông giữ trẻ trong độ tuổi này tại các trường mầm non sẽ không dễ dàng. Nếu không đáp ứng đủ các điều kiện nghiêm ngặt thì trẻ cũng rất dễ gặp phải hiểm nguy từ những mối nguy cơ nhỏ nhặt nhất.