Lương y Đặng Đình Nhân chia sẻ về những kiêng kỵ và bài thuốc trị bệnh sởi theo y học dân gian.
Theo Lương y Đặng Đình Nhân chia sẻ “bệnh sởi nhất thiết phải kiêng kỵ, khi sởi mới mọc chỉ cần giải tán, phát tiết hết khí độc ra ngoài thì sẽ không có biến chứng gì nguy hiểm”.
– Kiêng ăn những chất tanh, sống, lạnh, cay, gió lạnh. Bởi nếu không kiêng những thứ này sẽ làm cho da bít lấp lại, độc khí sẽ chạy vào trong.
– Không dùng thuốc hạ sốt bừa bãi, dùng phải đúng thời điểm. Theo y học phương Đông, sốt là biểu hiện của âm dương mất điều hóa trong cơ thể. Riêng với bệnh sởi thì lúc sốt đó mới có điều kiện phát độc, phát sởi ra ngoài. Trong trường hợp sốt cao thì mới cần dùng thuốc hạ sốt.
– Kỵ dùng thuốc tân nhiệt, khi mới phát nóng rất kỵ dùng thuốc tân nhiệt để làm tăng thêm nhiệt độ như loại quế chi, ma hoàng, khương hoạt, vì có thể làm độc khí bị che lấp không ra ngoài được, khiến độc khí đi tấn công bên trong.
– Kỵ dùng thuốc bổ nê trệ, khi sởi đã mọc, trẻ thường bị tiêu chảy, đó là do nhiệt độc bị tiêu tán ra ngoài, điều này không hại. Nếu tiêu chảy nặng thì có thể dùng bài thuốc Tứ linh tán (phục linh, trư linh, trạch tả, trần bì), không dùng thuốc bổ.
Bài thuốc trị bệnh sởi ở trẻ:
Sinh hoàng kỳ 8g (tức là hoàng kỳ dùng sống), đương quy 4g, kinh giới 4g, cam thảo 2g, cát cánh 4g, phòng phong 4g, liên kiều 4g, đinh hương 3 nụ, sa nhân 1g, bạch chỉ 3 lát, cung ly 4g (có thể có hoặc không), gừng tươi 3 lát, đại táo 2 quả.
Cách sắc: Đổ vào 7 bát nước, sắc đun sôi lửa nhỏ còn 3 bát, chia uống trong 2 ngày, mỗi ngày 3 lần vào sáng, chiều, tối (khoảng các giờ 9h sáng,15h chiều, 21h giờ tối), mỗi lần nửa bát. Một thang uống trong 2 ngày, phần thuốc uống chưa hết có thể để trong nồi hoặc cất trong tủ lạnh. Trước khi uống đun sôi, sau đó để thuốc nguội bớt đi, uống khi còn ấm, không uống khi thuốc đã nguội lạnh, không đổ thuốc trong phích giữ nhiệt. Người lớn thì lượng thuốc dùng gấp đôi thang trên tính làm 1 thang. Đơn vị bát thì người lớn dùng bát ăn cơm bình thường, trẻ em thì tính bát con.