Khi thấy trẻ có các biểu hiện của bệnh sởi, bệnh về hô hấp không nhất thiết phải đưa ngay đến các BV TƯ mà hãy đưa các cháu đến cơ sở y tế ở tuyến dưới để được chẩn đoán, sàng lọc và hướng dẫn chăm sóc.
Hiện nay tình hình dịch sởi chưa có dấu hiệu tạm lắng xuống, số lượng bệnh nhân nhi mắc sởi nhập viện tại các Bệnh viện Nhi TƯ, Bạch Mai, Xanh Pôn vẫn còn cao đã dẫn đến tình trạng lây chéo bệnh của nhau. Ngày 17/4, Bộ Y tế có văn bản số 1996/BYT-DP yêu cầu giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương tổ chức phân tuyến điều trị tại các bệnh viện, không để tình trạng chuyển tuyến các bệnh nhân trong khả năng điều trị để tránh lây nhiễm chéo bệnh sởi và các bệnh đường hô hấp.
Mắc sởi do bị lây chéo ngay tại bệnh viện
Tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi TƯ), chị Nguyễn Thị N (Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, cách đây 1 tháng, con trai chị là bé Q. A, 10 tháng tuổi vào đây điều trị bệnh tiêu chảy cấp. Lúc đó, chị có nghe nói về dịch sởi ở trẻ nhỏ nên đã giữ gìn cho con rất cẩn thận. Tuy nhiên, sau khi ra viện được 3 ngày thì cháu lại phải quay trở lại nhập viện vì nhiễm sởi. Hiện, cháu vẫn đang phải thở máy, sức khỏe của bé vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Cũng như nhiều bà mẹ có con bị sởi khác, chị Nguyễn Thị L cũng không giấu được nỗi lo lắng khi đứa con trai 6 tháng tuổi mắc sởi cũng đang phải thở oxy. Chị cho biết cách đây 5 ngày, cháu bị sốt, viêm phế quản và khi cho con nhập viện điều trị được 1 ngày, cháu đã lây bệnh sởi trong bệnh viện.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi TƯ cho thấy, 5 loại bệnh vào điều trị nhiều nhất tại bệnh viện trong tháng 3/2014 gồm: Viêm phế quản, phổi, sởi, viêm tiểu phế quản, tiêu chảy cấp, sốt cao co giật. Phần lớn các ca bệnh này hoàn toàn có thể điều trị được tại các bệnh viện tuyến tỉnh, thậm chí tuyến huyện, nhưng do nhu cầu của gia đình bệnh nhi muốn chuyển tuyến, vượt tuyến nên các cháu dễ bị lây chéo bệnh ngay tại bệnh viện.
PGS.TS Phạm Nhật An (Phó giám đốc bệnh viện Nhi TƯ) cho biết, có nhiều cháu bé bị lây sởi hoặc các bệnh khác trong quá trình điều trị vì bị nhiễm chéo do quá tải, nằm ghép. Có bệnh nhân mắc tiêu chảy do Rotavirus, sau khi chữa khỏi tiêu chảy được vài hôm thì phải nhập viện trở lại do mắc sởi. Lại có trường hợp bệnh nhi vào khoa hô hấp điều trị 6 ngày là khỏi bệnh hô hấp song phải quay lại vì sau đó mắc sởi.
Chủ động đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế tuyến dưới
Theo nhiều chuyên gia y tế, nguyên nhân dẫn đến bệnh sởi diễn biến rộng và biến chứng nhiều như hiện nay là do khí hậu, thời tiết không ổn định. Bên cạnh đó, có nhiều bệnh nhi chỉ bị viêm phế quản, hô hấp, tiêu chảy sau khi vào bệnh viện điều trị thì bị lây sởi. Do trẻ đã mắc các bệnh trước đó, sức đề kháng còn yếu nên khi mắc thêm sởi biến chứng sang suy hô hấp sẽ rất nhanh. Đặc biệt, nguyên nhân khiến bệnh sởi năm nay tái phát là do việc tiêm chủng vắcxin phòng bệnh cho trẻ bị nhiều phụ huynh bỏ qua.
Theo ông Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục y tế dự phòng – Bộ Y tế), sởi là một bệnh dễ lây qua đường hô hấp. Nếu trẻ chưa có miễn dịch với sởi lại tiếp xúc với trẻ mắc sởi thì nguy cơ lây bệnh rất cao, nếu không muốn nói là gần như 100%. Vì thế, nếu trẻ có dấu hiệu mắc bệnh nào đó, trong đó có cả mắc sởi, các mẹ nên đưa con đi khám trước ở tuyến cơ sở, chứ không nên đi thẳng lên bệnh viện tuyến T.Ư, để có được hướng dẫn điều trị hợp lý. Thực tế, các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện cũng có đủ năng lực điều trị bệnh sởi và có đủ giường bệnh để thực hiện việc cách ly, phòng chống và hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện.
Bác sĩ Thiện Thuật (Trưởng khoa Nhi bệnh viện Hà Đông) chia sẻ thêm kinh nghiệm phòng tránh bệnh sởi cho con: Các mẹ không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên áp dụng các biện pháp dự phòng chung như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ, đảm bảo các biện pháp về dinh dưỡng và các biện pháp dự phòng khác theo khuyến cáo của cơ quan y tế.
Khi đưa con đi khám, để tránh tình trạng lây nhiễm chéo từ nguồn bệnh khác trong viện, thì người đi khám và bệnh nhân nhi nên đeo khẩu trang y tế, tránh xa nơi tập trung đông người. Nếu trong trường hợp phải xếp hàng lấy số khám bệnh thì để một người lớn ở lại xếp hàng, một người khác nên đưa trẻ ra chỗ thoáng mát nơi có ít người tập trung.
Khi có con bị sởi, các bậc phụ huynh phải thường xuyên rửa mặt, lau miệng cho bé, thay ga, đệm, quần áo để bảo đảm giữ vệ sinh cho trẻ. Lau người cho trẻ hằng ngày bằng khăn sạch, mềm hoặc có thể tắm cho trẻ với điều kiện phòng tắm kín, tránh gió lùa để tránh cơ thể trẻ bị viêm nhiễm.
Trong thời điểm dịch sởi lan rộng, nên hạn chế cho trẻ đi chơi ở các khu vui chơi giải trí, nơi tập trung đông người. Nếu trẻ bị ốm sốt thì cho trẻ nghỉ học để tránh tình trạng lây lan dịch bệnh.
Người nhà bệnh nhân nên đưa trẻ đi khám tại các tuyến y tế cơ sở để theo dõi, sàng lọc, chẩn đoán điều trị một cách tốt nhất. Tuy nhiên phương pháp phòng chống hữu hiệu nhất là vẫn phải đưa trẻ đi tiêm vắcxin đầy đủ và đối với các mẹ đang chuẩn bị có bầu thì nên đi tiêm phòng mũi Sởi – thủy đậu – rubella để sau khi sinh bé, kháng thể sởi sẽ có ngay trong sữa mẹ để bảo vệ bé trong 6 tháng đầu đời.