Ốm nghén là triệu chứng thường gặp của chị em khi mang thai nhưng nghén nặng ở giai đoạn đầu hay cuối thai kỳ đều có thể dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng cho cả mẹ và con.
Cảnh giác khi nôn nhiều
Chị Nguyễn Thị Minh, ở Hà Nội, đang mong mỏi đứa con đầu lòng nên khi chị có “tin vui”, cả nhà lên kế hoạch chăm sóc, bồi bổ kỹ lưỡng cho hai mẹ con. Nhưng khổ nỗi bao nhiêu công sức của người thân đều “đổ xuống sông, xuống biển”, vì chị quá mệt mỏi, không muốn ăn uống và đặc biệt là nôn ói liên tục. Chị Minh không ăn được bất kỳ thứ gì, kể cả cháo trắng, thậm chí chỉ cần ngửi thấy mùi thức ăn hay mùi gì lạ là chị lại chạy… vào nhà vệ sinh. Suốt ngày nằm trong phòng không dám bước chân ra ngoài, người chị không còn chút sức lực nào. Cho rằng ai mang thai cũng nghén, chỉ cần qua thời kỳ thai nghén là khỏi nên chị không đi khám. Do nhiều ngày không ăn uống được, chị kiệt sức rồi ngất xỉu, người nhà phải đưa chị đến bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ cho biết, chị bị nhiễm độc thai nghén nặng, cần theo dõi điều trị, đề phòng biến chứng xấu có thể xảy ra.
Bác sĩ Phó Đức Nhuận, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết, khi có thai, nhiều chị em xuất hiện các triệu chứng mà dân gian gọi là “ốm nghén”. Ốm nghén thường biểu hiện bằng tình trạng mệt mỏi, gầy, xanh, lợm giọng, buồn nôn, ứa ra nước miếng hoặc nôn ọe thực sự. Tình trạng thai nghén giai đoạn này có thể khiến người phụ nữ hơi sút cân. Thai phụ chỉ cần nghỉ ngơi, thay đổi chế độ ăn, nên ăn nhẹ và chia thành nhiều bữa trong ngày, giữ tâm lý ổn định. Sau đó các triệu chứng ốm nghén giảm dần rồi mất hẳn. Tuy nhiên, nếu thai phụ nôn nhiều, ăn thứ gì vào là nôn ra hết, thậm chí nôn hết thức ăn rồi vẫn tiếp tục nôn ra nước dãi hoặc nôn khan thì có thể bị nhiễm độc thai nghén. Nếu tình trạng thai phụ nôn mửa kéo dài, không ăn uống được sẽ dẫn đến thai phụ bị mất nước, suy kiệt sức lực, tiếp đến xuất hiện triệu chứng phù, tăng huyết áp, protein niệu… có thể ngất và hôn mê.
Theo bác sĩ Nhuận, nghén nặng được gọi là tình trạng nhiễm độc thai nghén. Khoảng 10% bà mẹ mang thai bị nhiễm độc thai nghén muộn (nhiễm độc thai nghén ở 3 tháng cuối thai kỳ) với các triệu chứng: Cao huyết áp, phù nề ở chi dưới hoặc phù nề toàn thân, protein niệu. Còn nhiễm độc thai nghén sớm xảy ra ở giai đoạn đầu của thai kỳ.
Nguy hiểm cho cả mẹ và con
Còn theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh, Bệnh viện E Trung ương, những thai phụ bị nhiễm độc thai nghén sớm thường buồn nôn, nôn nhiều lần trong ngày và nôn kéo dài; sau 3 tháng mang thai vẫn nôn, có thể kéo dài đến 5 tháng, thậm chí suốt thai kỳ. Điều này có thể khiến da thai phụ nhăn nheo, hơi vàng; tim đập nhanh, nước tiểu ít, không muốn ăn. Nếu kéo dài có thể xuất hiện các triệu chứng thần kinh, mê sảng, vật vã, co giật, hôn mê. Ngoài ra, nôn nhiều dễ khiến thai phụ bị tắc ruột, nhiễm trùng đường tiết niệu, suy yếu chức năng gan. Còn với thai nhi, có thể bị nhẹ cân và chết lưu.
Bác sĩ Hoàng Anh cảnh báo, biến chứng cấp tính nặng của hội chứng nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối là dấu hiệu báo trước tiền sản giật, nhau bong non, gây nguy hiểm tới tính mạng cả mẹ và con. Vì vậy, khi có thai mà bị nghén nặng, chị em cần đi khám ngay để được bác sĩ tư vấn và chỉ định bổ sung những vi chất cần thiết; làm xét nghiệm nước tiểu và kiểm tra chính xác tình trạng sức khỏe để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con.