Nếu chúng ta là trẻ con, hẳn sẽ cảm thấy bất tiện và khổ sở. Điều gì xảy ra cho trẻ, khi trong những năm đầu tiên của cuộc đời, bị tù túng trong căn nhà chẳng có gì ngoài những thứ không được làm bẩn hay đánh vỡ?
Người lớn thường cảnh giác đề phòng và phát hoảng lên khi thấy trẻ con trèo lên bàn, nhảy lên ghế, cầm tô bát hay cốc thủy tinh đi loanh quanh một cách hào hứng. “Không được nghịch”, “không được phá”, “con làm bẩn hết nhà của mẹ rồi”, “con bừa bãi quá, không thể chịu đựng nổi”… là thông điệp mà những “kẻ nghịch tặc” nhỏ bé thường được nghe, nhiều khi đi kèm với sự giận dữ của người lớn.
Dĩ nhiên, người lớn luôn có lý do chính đáng cho hành động của mình. Họ muốn căn nhà luôn gọn gàng, sạch sẽ, tươm tất. Họ không muốn chạy theo dọn dẹp sau một ngày mệt nhoài.
Nhưng nếu nhìn từ con mắt của trẻ thì sao? Nếu chúng ta là trẻ con, và thử sống một ngày trong thế giới của người lớn, sẽ cảm thấy thế nào? Đây là góc nhìn của Maria Montessori – nhà giáo dục lỗi lạc người Ý. Maria Montessori cho rằng, nếu chúng ta chỉ sống một ngày trong môi trường mà chúng ta chuẩn bị cho trẻ, chúng ta sẽ cảm thấy bất tiện và khổ sở. Điều gì xảy ra cho trẻ, khi trong những năm đầu tiên của cuộc đời, bị tù túng trong căn nhà chẳng có gì ngoài những thứ không được làm bẩn hay đánh vỡ?
Trẻ không được rèn luyện sự tự chủ của bản thân, cũng không được học cách sử dụng những đồ vật thông thường của cuộc sống hàng ngày. Trẻ em có năng lượng dồi dào và đam mê hoạt động, cần môi trường của riêng mình để phát huy điều đó.
Đồ đạc vừa kích cỡ
Maria Montessori chính là nhà giáo dục đầu tiên cho đóng những bàn ghế, đồ đạc vừa với kích cỡ của trẻ, sáng lập ra “Nhà trẻ thơ” năm 1907 – chính là mô hình khởi nguồn cho những Day care center ngày nay ở Hoa Kỳ. Dựa trên những quan sát thực tế trong Nhà trẻ thơ, Montessori tin rằng trẻ em có khả năng dễ dàng – như thể không cần cố gắng gì – để hấp thụ kiến thức từ môi trường xung quanh. Các em cũng có sự thích thú không bao giờ chán khi vận dụng bằng tay các vật liệu học tập. Trẻ có thể tự dạy cho chính mình, thực hiện các hoạt động không cần trợ giúp khi có một môi trường thích hợp.
Ngày nay thật dễ dàng để bố mẹ có thể trang bị cho con mình những đồ nội thất bé nhỏ, xinh xắn, màu sắc tươi tắn. Theo phương pháp Montessori, những vật dụng này nên nhẹ để trẻ có thể di chuyển được thay vì nặng hoặc đóng cố định trên sàn. Khi trẻ di chuyển những vật nhẹ một cách vụng về, sẽ phát ra những âm thanh, từ đó trẻ sẽ ý thức đi, đứng, bưng, vác khéo léo hơn.
Cũng như vậy, tranh ảnh phải được treo trong tầm mắt trẻ, trẻ có thể sử dụng mọi thứ trẻ gặp trong nhà và được thực hiện những công việc thường ngày như quét nhà, tự tắm rửa, mặc quần áo… Ngôi nhà như vậy sẽ là nơi chốn đáng yêu và thoải mái để trẻ học hỏi.
Vật dụng xinh đẹp, nhiều màu sắc
Trong cuốn “Trẻ thơ trong gia đình”, Maria Montessori cho rằng nên trang bị cho trẻ những vật dụng xinh đẹp như giẻ lau bàn nhiều màu sắc, bàn chải rực rỡ, miếng xà phòng rửa tay bắt mắt. Những vật dụng ở mọi ngõ ngách sẽ thu hút trẻ, mời chào trẻ sử dụng và hướng dẫn trẻ một cách thực tế. Chúng sẽ khuyến khích trẻ tự lau bàn ghế, giữ cho vật dụng sạch sẽ, tự rửa tay, không cần người lớn phải nhắc nhở. Hãy để trẻ quét nhà, thay nước bình hoa, sắp xếp ghế ngay ngắn, dọn giường, bày bàn ăn, tự mặc quần áo, tất cả đều là những bài tập hữu ích cho cơ thể bé.
Sử dụng cốc chén, đồ vật dễ vỡ
Trong ngôi nhà của trẻ, nhất thiết phải có một số đồ vật dễ vỡ như ly, tách, bình hoa bằng thủy tinh hoặc gốm sứ, Maria Montessori nói. Hẳn bố mẹ sẽ kêu lên, “như thế thì chắc chắn nó sẽ làm vỡ!” Montessori cho rằng mất đi một vật quý giá là nỗi đau của trẻ, chúng sẽ học hỏi rằng nếu để rơi chúng sẽ vỡ và sẽ mãi mãi mất đi. Sự buồn phiền đó là hình phạt lớn nhất với trẻ và từ đó mỗi khi mang đồ vật dễ vỡ bé sẽ nỗ lực để đi vững vàng, cẩn thận.
Công việc của người lớn là gì?
Sau khi đã cho trẻ môi trường thích hợp, người lớn nên làm gì? Không làm gì cả. Để trẻ tự do! Im lặng và quan sát trẻ. Maria Montessori cho rằng quá nhiều sự giám sát, cản trở, làm thay cho trẻ… sẽ biến người lớn thành tên cai ngục và ngăn cản ham muốn hoạt động của trẻ. Người lớn nên tự kiểm soát bản thân, không làm trẻ mệt mỏi bằng cách can thiệp nhưng cũng không bỏ mặc trẻ, sẵn sàng có mặt bất kỳ lúc nào trẻ gọi.