Rất nhiều bậc cha mẹ có con đang chuẩn bị bước vào cấp 1 và cấp 2 đều chỉ chú trọng vào việc tìm cho con trường chuyên, lớp chọn hoặc ép con học sớm để được “bằng bạn bằng bè”. Họ chưa hiểu hết được tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho con về mặt tâm lý, thể lực, định hướng nhân cách…giúp con thích ứng với môi trường mới để học tập tốt hơn.
Chuẩn bị sẵn sàng tâm thế cho trẻ là việc quan trọng hàng đầu
Đối với trẻ vừa rời trường Mẫu giáo, bước vào bậc Tiểu học là một bước ngoặt rất quan trọng vì đây là bậc học mang tính nền tảng, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tiếp thu, phát triển nhân cách của trẻ trong suốt quá trình học tập sau này. Theo nghiên cứu của các nhà chuyên môn, trẻ ở giai đoạn này sẽ dễ dàng bị hội chứng “sốc” tâm lý. Nếu như trẻ đã quen với môi trường mẫu giáo với lớp học nhỏ, được cô giáo chăm sóc từng chút một thì bước sang Tiểu học, trẻ sẽ phải làm quen với môi trường lớn hơn với cô giáo mới, phương pháp học mới, bạn bè mới…Đặc biệt ở bậc Mẫu giáo, nếu trẻ được học qua các trò chơi để xây dựng kỹ năng thì ở bậc Tiểu học, trẻ sẽ bắt đầu chuyển sang giai đoạn học chữ và tiếp thu kiến thức, nên việc ngồi im một chỗ để lắng nghe cô giáo giảng bài cùng với phương pháp học mới sẽ không hề dễ dàng.
Đối với các em ở bậc Tiểu học lên Trung học, ở giai đoạn này các em bắt đầu sẽ có chuyển biến rất lớn về tâm lý và thể chất. Ở lứa tuổi này, cá tính của trẻ sẽ phát triển rất mạnh, các em sẽ muốn khẳng định mình hơn, và có xu hướng thích khám phá cuộc sống xung quanh nên dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những trào lưu và lối sống bên ngoài. Không những thế, bước vào bậc Trung học, các em sẽ phải chủ động hơn nữa trong việc học và phải học các môn mới đòi hỏi tính logic và khả năng suy luận. Nếu cha mẹ không chú trọng giáo dục và rèn luyện cho trẻ về mặt tâm lý, kiến thức và định hướng nhân cách, trẻ sẽ rất khó tập trung và tiếp thu việc học trên trường cũng như đủ sự tự tin để thích ứng với môi trường mới.
Bố mẹ cần trang bị đủ kiến thức và kỹ năng để giúp con vượt qua giai đoạn này
Rất nhiều bố mẹ vì quá bận rộn với công việc mà không chú trọng đến giai đoạn này dẫn đến hệ quả trẻ bị lúng túng, thiếu định hướng trong phương pháp học tập và xử lý các tình huống trong cuộc sống. Nhiều trẻ từ đó dễ bị căng thẳng, trầm cảm, dẫn đến các bệnh xã hội và sau đó, nảy sinh những mâu thuẫn không đáng có trong gia đình. Vì thế, theo các chuyên gia tâm lý, mỗi trẻ ở từng độ tuổi tương ứng giai đoạn chuyển cấp sẽ có những đặc điểm tâm sinh lý khác nhau, đòi hỏi cha mẹ cần phải kiên nhẫn quan sát và có sự chuẩn bị về kiến thức và kỹ năng phù hợp.