Được nhìn thấy con cắp sách đi học là niềm hạnh phúc lớn lao của cha mẹ. Thế nhưng theo mỗi bước con đến trường ấy lại là vô vàn những nỗi lo lắng của đấng sinh thành…
1. Đưa đón con
Bạn sẽ gặp rắc rối khi tình trạng tắc đường vào giờ cao điểm thường xuyên xảy ra. Con bạn có thể sẽ bị muộn học, và sau đó bạn cũng sẽ có thể bị muộn giờ làm. Đó là chưa kể đến những mâu thuẫn xảy ra trên đường khiến bạn phải nói những lời khó nghe với người khác – vô tình tạo nên hình ảnh xấu trong mắt con.
2. Chuẩn bị cơm hộp cho buổi trưa
Việc chuẩn bị cơm hộp cho con thế nào để đầy đủ chất dinh dưỡng đã khiến không ít cha mẹ phải đau đầu. Không chỉ dậy sớm mỗi sáng để làm bếp, cha mẹ còn phải nghĩ ra một thực đơn vừa phong phú vừa đủ dưỡng chất cho trẻ: nào cơm, nào bánh mì rồi cả trái cây tráng miệng… Bạn chuẩn bị cầu kì là thế nhưng đến lớp trẻ sẵn sàng đổi hộp cơm ấy để lấy những chiếc kẹo ngọt mà chúng thích.
3. Thời khóa biểu chưa linh hoạt
Để tránh tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, đã có nhiều phương án điều chỉnh giờ học, giờ làm được thực hiện. Giờ học của các trẻ mẫu giáo và tiểu học – những trẻ thường được cha mẹ đưa đón – bắt đầu vào lúc 7h và kết thúc lúc 16h. Trong khi đó, giờ làm việc hành chính của cán bộ công chức nhà nước bắt đầu lúc 7h và kết thúc lúc 17h. Điều này đã gây không ít khó khăn cho cha mẹ trong việc vừa đảm bảo giờ làm việc vừa phải đưa đón con.
4. Những khoản đóng góp
Cho con đi học không đơn giản là bạn chỉ phải trang trải học phí mà bên cạnh đó còn là vô vàn những khoản đóng góp không tên khác cho con. Khi thì là quỹ trường, quỹ lớp, khi lại là các hoạt động thể thao, đại hội… Dù những khoản tiền cho mỗi hoạt động này không nhiều nhưng khi gộp chúng lại thì cũng có thể ảnh hưởng đến vấn đề tài chính của cha mẹ, đặc biệt ở những gia đình có thu nhập thấp và không ổn định.
5. Làm đồ thủ công
Dù những bài tập thủ công trên lớp không hề quá sức với trẻ, chúng vẫn mong đợi cha mẹ có thể giúp mình tạo ra những sản phẩm đẹp nhất. Vì vậy, nếu bạn không biết đan những chiếc rổ bằng tre hay gấp những chú hạc giấy… thì đó quả là khó khăn khi trẻ về nhờ bạn giúp đỡ.
6. Bị nói xấu ở trường
Cha mẹ cũng hay trở thành chủ đề bàn luận của những đứa trẻ tại trường học. Đôi khi, bạn có thể là “nạn nhân” của những cuộc trò chuyện, nói xấu của trẻ ở trường. Thông thường, chúng hay chê bai “Mẹ rất ích kỉ vì mẹ không cho tớ ăn kẹo ngọt” hay “Ba đi ngủ toàn ngáy to”. Những điều này tuy nhỏ nhưng sẽ khiến bạn rất xấu hổ khi đến trường đón con đấy.
7. Họp phụ huynh
Điều này rất cần thiết cho cha mẹ trong việc cập nhật chính xác nhất tình hình học tập của con em mình. Tuy vậy, những buổi họp này thường hay kéo dài và đôi khi có những nội dung ngoài lề làm lãng phí khoảng thời gian mà đáng lẽ ra bạn được nghỉ ngơi.
8. Trẻ thường xuyên luyện tập nhạc cụ
Chúng ta đều hiểu rẳng để cho trẻ thể hiện bản thân bằng âm nhạc là một điều tốt. Nhưng việc con luyện tập chơi đàn, thổi sáo…bất kể thời gian nào ở nhà có thể gây phản ứng tiêu cực vì nó khiến cha mẹ thiếu thời gian nghỉ ngơi sau những giờ làm việc căng thẳng.
9. Dịch bệnh
Cha mẹ luôn muốn bảo vệ con mình khỏi những bệnh lây truyền nguy hiểm như sởi, tay chân miệng hay chỉ đơn giản là bệnh cúm. Vì vậy, họ thường lo ngại khi đưa con đi học ở nhà trẻ, mẫu giáo vì các con thường ngủ hoặc chơi đùa gần nhau rất dễ lây bệnh.
10. Những buổi tham quan, dã ngoại
Những buổi dã ngoại luôn mang lại niềm vui: trẻ không chỉ được vui chơi với bạn bè mà còn được hòa mình vào thiên nhiên và tham gia các hoạt động bổ ích. Tuy vậy, sẽ thật khó để cha mẹ an tâm cho con mình đi chơi xa, đặc biệt các khu vực tham quan như rừng núi dễ xảy ra tai nạn.
11. Ngày hội thể thao
Hãy thử tượng tượng bạn ngồi trên khán đài xem con chơi bóng và liên tục thấy con bị ngã chảy máu hoặc chấn thương, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Chính sự không an toàn và thiếu chuyên nghiệp trong những ngày hội thể thao ở trường đã khiến nhiều người chần chừ khi quyết định cho con em mình tham gia vào những hoạt động như thế.
12. Bạo lực học đường
Thời gian gần đây, bạo lực học đường ngày càng gia tăng và nghiêm trọng: cả nhóm học sinh đánh hội đồng một bạn, lột đồ bạn, quay lén rồi tung những đoạn phim nhạy cảm của bạn lên mạng… Điều này khiến cha mẹ không khỏi lo lắng đưa con đến trường.
13. Đồng phục
Mục đích của đồng phục là để tạo một môi trường học tập bình đẳng, không phân biệt giàu nghèo. Tuy vậy, thực tế cho thấy mục đích tốt đẹp ấy đã bị lợi dụng ở không ít trường. Các mẫu đồng phục được thay đổi hàng năm, chất liệu vải không tốt nhưng giá lại lên tới hàng trăm nghìn mà không mua thì không được. Đây cũng là một trong những vấn đề nhức nhối mà những bậc làm cha làm mẹ đang gặp phải.