“Chúng con rất muốn được đối xử như những con người, muốn cha mẹ cảm thông và nâng đỡ… Xin bố mẹ cân nhắc kỹ mỗi khi phạt tụi con”.
Bi không phải tên khai sinh, chỉ là tên quen gọi ở nhà. Cu Bi từ khi vào lớp 9, em cao lớn hẳn lên.
Bi lành tính, ít nói. Vậy mà tháng trước, Bi đi khỏi nhà chỉ với mảnh giấy gài ở đầu giường: Con phải ra khỏi đây, không thể khác. Mẹ và các em đừng buồn!
Bi trốn, không chỉ làm náo động trong nhà mà còn rầm rĩ sang mấy nhà hàng xóm, ngõ Trúc Lạc!
Ông Năm, bố cu Bi quýnh quáng, gào trong điện thoại, bảo bà Năm từ bên nhà ông bà ngoại phải về ngay…
Bà Năm đã có linh tính chuyện này. Mấy lần bà nhắc ông rằng “có lúc hối không kịp”. Thì lúc đó là bây giờ đây…
Bà biết chồng là người thương con. Thứ gì ngon, thứ gì đẹp ông thường nhường nhịn cho con cái. Vậy mà nóng giận, không kiềm chế được là ra tay đánh đập con.
Đã có những trận đòn con khóc, ông cũng khóc… nhà buồn như có tang…
Bây giờ Bi ở đâu, con bỏ cả việc học hành rồi sao? Bà Năm lầm rầm một mình, rồi tự nhủ, bà cũng có lỗi với con. Bà chưa ráng đến cùng để buộc được ông sửa cách dạy con. Bà cưng quý con, nâng niu, ôn tồn với các con chưa đủ, chưa bù trừ được cho các con phải chịu đựng ông bố dễ “điên tiết”, giận mất khôn.
Bà đi gặp thầy chủ nhiệm lớp. Bà gọi điện thoại cho mấy đứa bạn của Bi, hỏi thăm cả mấy em trong đội bóng rổ…không ai cho bà được chút xíu tin Bi ở đâu.
Bà chỉ còn hy vọng là Bi sẽ tự trở về. Bà tin Bi vì bà biết em rất thương quý mẹ và các em. Gia đình có lúc “xào sáo”, nhưng dù gì thì cũng vẫn là nơi con cái bà hiểu được đây là chốn an toàn, là nơi chúng cảm nhận được tình thương quý của những người ruột thịt…
Bi đã về nhà sau 5 ngày bỏ đi.
Người đầu tiên gặp Bi là ông Năm. Ông hỏi, con bỏ học cả tuần lễ thì sao theo bài kịp? Câu đáp của Bi khiến ông Năm thấy cay cay trong mũi: Con đến lớp sao được khi mặt con, cổ con đấy những lằn roi của bố…
Thấy ông Năm đã “nguội”, biết cái sai của mình, bà Năm kéo Bi cùng với bà gặp bố.
Trước mặt bố mẹ Bi nhận cái sai của mình là “quá chén” khi dự sinh nhật bạn và về nhà quá trễ (0 giờ).
Ông Năm cũng nhận rằng mình quá giận vì Bi về nhà nồng nặc hơi bia rượu. Ông bảo đã dặn rồi, cái tuổi của Bi là không được dính một giọt bia, giọt rượu.
Trước cuộc gặp này, bà Năm đã “gợi ý” cho Bi: Nếu bố của con bình tĩnh, thấy sai thì con có thể nói thẳng những ý nghĩ của mình về sự đòn roi của bố.
Và Bi đã nói thế này: Các con làm điều sai trái thì bố mẹ phân tích, phê phán, mắng mỏ, bắt viết kiểm điểm, phạt cũng được để tụi con hiểu, chứ đánh đập, mạt sát thì tụi con chỉ còn thấy căm bố mẹ thôi.
Ghét hả con – bà Năm xen vào. Vâng, uất ức nữa – Bi đáp.
Thấy bố vẫn nín lặng. Bi nói luôn: Tụi con còn nhỏ, chưa đủ trí khôn, dễ sai sót, nhưng đều là con của bố mẹ. Bản thân con cũng đã lỳ đòn, không biết sợ đâu, nhưng vừa rồi con thấy nhục nhã, thấy bố coi con không còn là con người. Chúng con rất muốn được đối xử như những con người, muốn cha mẹ cảm thông và nâng đỡ…Xin bố mẹ cân nhắc kỹ mỗi khi phạt tụi con.