Như một phản xạ vô điều kiện cu Bi đưa hai tay lên bịt chặt lấy mắt, miệng hô to “nhắm mắt vào”, lũ trẻ ngơ ngác nhìn cu Bi, con bé Linh ra chiều hiểu biết bảo “không được xem phim người lớn”… Cả lũ cũng kịp liếc thêm lần nữa cái màn hình vô tuyến rồi đứa nhắm mắt, đứa quay đi.
Vào ngày thứ 7, chủ nhật lũ trẻ trong xóm thường tụ tập sang nhà tôi chơi và xem các phim hoạt hình trên tivi. Đôi khi chúng xem luôn bộ phim đang phát trên tivi, những cảnh thể hiện tình cảm “dạng nhẹ” như ôm, hôn, hoặc nhìn ngắm chồng tôi thường bảo lũ trẻ phải che mắt lại, nếu cứ xem sẽ bị… hỏng mắt. Một phần là những đứa trẻ của tôi rất nghe lời người lớn, một phần có lẽ chúng sợ hỏng mắt thật, thế nên mỗi lần tivi phát những cảnh đó chúng đều che mắt vào và luôn miệng hỏi “xong chưa?”. Những lần đầu tôi buồn cười rũ cả người, “xong chưa à?” chẳng hiểu là lũ nhóc đang hình dung cái gì trong đầu nữa. Và dù chưa thực sự đồng tình với cách giải thích đó nhưng tôi vẫn tạm thời chấp nhận.
Tôi nói với con, ôm hôn thế chẳng có gì xấu cả, khi người ta thực sự yêu quý nhau họ sẽ ôm hôn, giống mẹ và con yêu nhau ấy. “Người lớn thì thường làm thế, mẹ lại thích chúng ta ôm hôn thế này sẽ tình cảm hơn Bí nhỉ” rồi tôi ôm con hôn lên trán, lên má, con bé tru mỏ ra hôn tôi trông thật… khách quan. Con bé gật gù “giống bố yêu mẹ ấy mà”.
Những “cảnh nóng bỏng” hơn ở phim nước ngoài mà chồng tôi hay xem trên kênh HBO, CINEMAX… đôi khi vẫn lọt vào mắt con, những lúc đó chồng tôi vẫn dán mắt vào màn hình nhưng vẫn không quên nhắc con bé quay đi. Thật tò mò, trông “lạ” thế cơ mà, tôi chắc chắn con vẫn thấy chỉ là nó không nói gì thôi.
Vợ chồng nhà chị Sang cạnh nhà tôi thì cấm tiệt hai đứa con xem phim người lớn, anh chị chỉ cho bọn trẻ xem phim hoạt hình. Dĩ nhiên, anh chị yên tâm tuyệt đối với giải pháp của mình nhưng anh chị quên mất là vẫn đưa điện thoại, ipad cho con chơi, liệu lũ trẻ có tránh được…?!
Chắc chẳng bao giờ cấm triệt để được những cảnh nhạy cảm ấy, con không xem ở nhà thì thể nào cũng có lần xem ở bên hàng xóm, bố mẹ không xem thì có thể là ông bà hoặc cô, dì, chú, bác xem… Làm sao để trẻ thấy việc đó chẳng phải là điều gì đó thật đặc biệt, chẳng hề ấn tượng về nó và coi đó không phải là chuyện của mình thì mới tốt.
Ngày nay, các phương tiện thông tin đại chúng phát triển mạnh, trẻ được tiếp xúc với các nền văn hóa đa dạng trên thế giới khiến tư duy của chúng cũng lớn hơn so với tuổi. Trẻ cũng rất tò mò và nhạy cảm với bất cứ những điều xảy ra quanh chúng. Vì vậy, dạy con sao cho con không có cái nhìn tiêu cực về cuộc sống thật khó, đòi hỏi bố mẹ phải kiên trì, chịu khó trau rồi kiến thức và hiểu biết xã hội để có cái nhìn đúng, đủ… giúp giữ gìn sự trong sáng trong lăng kính của trẻ.