Sữa cho trẻ em thực sự là một nguồn lợi béo bở cho các doanh nghiệp khai thác triệt để trong suốt những năm vừa qua. Chẳng có cha mẹ nào nỡ tước đi nguồn dinh dưỡng dồi dào ấy của con mình nhưng đồng hành cùng điều đó là sự lên giá đến chóng mặt của các loại sữa vì nhiều lí do “trời ơi”. Người tiêu dùng chỉ còn cách cầu mong một ngày nào đó “phép lạ” sẽ xảy ra và vẫn tiếp tục “nghiến răng” mua sữa cho con…
Được tin bộ Tài chính sẽ áp trần giá sữa trong thời gian tới khiến các bậc cha mẹ vừa mừng vừa lo. Mừng vì có thể mua được sữa tốt cho con với giá phải chăng, nhưng cũng lo vì những biến tướng sau khi áp giá trần nhà sản xuất sẽ dựa vào chỉ số dinh dưỡng, thành phần dinh dưỡng, trọng lượng, mẫu mã, bao bì, tên gọi… mà lách luật, tăng vượt khung? Hoặc có người cho rằng chính sách này sẽ không được áp dụng triệt để khi sữa được phân phối đến hàng ngàn cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Trong 5 năm trở lại đây, một số mặt hàng đã có sự điều chỉnh tăng giá một cách vô tội vạ, nhất là mặt hàng sữa cho trẻ em, có thời gian sữa cho trẻ bị chuyển sang tên gọi là thực phẩm chức năng để tránh nằm trong mục điều chỉnh xuống giá. Tuy nhiên trong chương trình dân hỏi Bộ trưởng trả lời trên truyền hình Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Việc áp giá trần đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là sản phẩm nằm trong danh mục bình ổn giá, Chính phủ cũng thống nhất cao chủ trương này và nó không vi phạm cam kết Quốc tế mà Việt Nam đã thỏa thuận. Đây là mặt hàng đặc biệt, phải chịu sự quản lý của Nhà nước, khi có biến động về giá một cách bất thường nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của người sản xuất, Nhà nước và người tiêu dùng.
Bộ trưởng cho biết thêm 25 sản phẩm trong danh mục áp giá trần chỉ là 25 sản phẩm được thực hiện lần đầu. “có 5 doanh nghiệp sữa đã chiếm tới 90% thị phần tại Việt Nam và 25 sản phẩm này chiếm tới trên 60% thị phần. Vì đây là lần đầu áp giá trần nên đang làm dần và sẽ tiếp tục với các sản phẩm khác… đặc biệt, giá trần chung cho tất cả nước, trên mọi địa bàn. Có thể bán ở Hà Nội giá này, ở nơi khác giá khác nhưng phải nằm trong khung giá trần, nếu bán cao hơn giá trần sẽ bị xử lý”. Ngoài ra doanh nghiệp cứ có thay đổi về sản phẩm dưới 6 tuổi là phải đăng ký và cơ quan quản lý có quyền kiểm tra theo 2 phương pháp chi phí và so sánh, đồng thời phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để xác định chất lượng sữa để đảm bảo chi phí hợp lý.
Việc áp giá trần cho sản phẩm sữa trẻ em thực sự là động thái tích cực nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Chính phủ và đây cũng là món quà có ý nghĩa đặc biệt đối với trẻ em vào ngày 1 – 6 này.