Thời gian gần đây cụm từ “Kỹ năng sống” được mọi người thường xuyên nhắc đến như một “hiện tượng”, đi kèm với nó là một loạt các trung tâm dạy kỹ năng sống cho trẻ ra đời với nhiều quy mô khác nhau. “Kỹ năng sống” được dạy cho trẻ từ mẫu giáo đến lứa tuổi 15, 16 với nhiều mức học phí khác nhau, học phí cho mỗi khóa học kỹ năng sống có thể là vài trăm nghìn nhưng cũng có thể lên đến vài nghìn đô…
Các lớp Kỹ năng sống phát triển mạnh và nhiều như nấm mọc sau mưa với nhiều hình thức dạy: bằng những buổi dã ngoại cho các bé mẫu giáo, những ngày cắm trại, sinh hoạt hè hoặc mùa hè quân ngũ,… thậm chí là những ngày hè trải nghiệm ở nước ngoài một mình cho lứa tuổi teen. “Kỹ năng sống” thực sự là một cụm từ “trừu tượng và cao siêu” vì không phải bậc phụ huynh nào cũng hiểu đúng về nó.
Nhiều cha mẹ chỉ biết bỏ tiền cho con học vì nghe nói Kỹ năng sống rất cần thiết, rất hay đối với trẻ mà không biết nó cần thiết, nó hay như thế nào. Vậy kỹ năng sống là gì? Phải hiểu thế nào cho đúng? Có cần thiết phải cho con học kỹ năng sống ở các trung tâm đắt tiền? Bố mẹ có thể tự dạy con kỹ năng sống ở nhà được không?
Theo tổ chức Y tế Thế giới WHO thì kỹ năng sống là “khả năng thích nghi và hành vi tích cực cho phép cá nhân có khả năng đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày… kỹ năng sống có thể là một tập hợp những khả năng được rèn luyện và đáp ứng các nhu cầu cụ thể của cuộc sống hiện đại hóa; ví dụ cuộc sống bao gồm quản lý tài chính (cá nhân), chuẩn bị thức ăn, vệ sinh, cách diễn đạt, và kỹ năng tổ chức…”.
Tôi đã chứng kiến một bà mẹ háo hức nán lại trung tâm học thêm của con để nghe thầy giáo dạy tiếng Anh giảng kỹ năng sống và rồi thốt lên “tưởng thế nào…”. Thầy giáo dạy “khi gặp người lớn các em phải chào, phải nói cảm ơn khi được tặng quà, nói xin lỗi khi mắc lỗi…”, bà mẹ ấy bảo dạy kỹ năng sống thế tôi cũng dạy được. Tôi được tận mục sở thị một lớp học kỹ năng sống dành cho các cô bé, cậu bé trong mùa hè, các anh chị phụ trách dạy các em cách “xoay sở” trong sinh hoạt hằng ngày khi không có bố mẹ bên cạnh, từ cách gấp chăn màn khi mới ngủ dậy, cách tự làm vệ sinh cá nhân, cách lau dọn nhà cửa, sơ cứu vết thương, người bị tai nạn, cách thoát thân trong trường hợp khẩn cấp…
Các em hầu như đã làm rất tốt sau một thời gian được hướng dẫn nhưng liệu tất cả các kỹ năng ấy có được phát huy khi các em quay về nhà? Với nhịp sống hối hả hiện nay, vị phụ huynh nào cũng dành rất nhiều thời gian cho công cuộc mưu sinh với mục tiêu là mang thật nhiều tiền về nhà để bù đắp cho con, chính vì vậy những gì các em học được, tích lũy được chỉ còn là “kỷ niệm”. Hàng năm các em vẫn được bố mẹ đầu tư cho đi học nhưng hầu như chẳng áp dụng được mấy khi khóa học kết thúc, vào lớp học của hè sau mọi thứ lại… như mới.
Vẫn biết có những kỹ năng phải đến trường, lớp mới có thể học được nhưng những kỹ năng cơ bản nhất trong sinh hoạt hằng ngày để có thể tự phục vụ bản thân và giúp đỡ bố mẹ những việc phù hợp với lứa tuổi thì các em có thể học được ở trong chính ngôi nhà của mình. Gia đình chính là cái nôi đào tạo, nuôi dưỡng, tạo điều kiện thực hành tốt nhất cho kỹ năng sống của các em thuần thục và bố mẹ cũng chính là những giáo viên tốt nhất của các em.