Từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước đã ghi nhận gần 21.000 trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng tại 62 tỉnh / thành. Trong đó, có đến gần 81% là thuộc khu vực miền Nam và tại 1 tỉnh Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu đã có 2 trường hợp tử vong.
Định nghĩa bệnh tay–chân–miệng
Bệnh Tay – Chân – Miệng (tiếng Anh: Hand – Foot – Mouth Disease – HFMD) là một bệnh thường gặp ở nhũ nhi và trẻ em. Bệnh thường được đặc trưng bởi sốt, đau họng và nổi ban có bọng nước. Vừa qua, tại Long An và Bà Rịa–Vũng Tàu 2 trường hợp tử vong được các bác sĩ xác định là do EV71 gây nên.
Bệnh Tay – Chân – Miệng xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi tuy nhiên cũng có thể gặp ở cả người trưởng thành.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh Tay – Chân – Miệng do một nhóm virus thuộc nhóm virus ruột gây nên. Tác nhân thường gặp nhất là coxsackievirus A16, đôi khi do enterovirus 71 và các virus ruột khác. Nhóm virus ruột bao gồm các phân nhóm virus bại liệt, coxsackievirus, echovirus và một số enterovirus khác không xếp vào phân nhóm nào.
Các triệu chứng
Triệu chứng đầu tiên có thể dễ dàng phát hiện thường là sốt nhẹ, biếng ăn, mệt mỏi và đau họng. Khoảng từ 1 đến 2 ngày sau khi xuất hiện sốt trẻ sẽ bắt đầu bị đau miệng. Khi khám họng của trẻ có thể phát hiện các chấm đỏ nhỏ sau đó biến thành các bọng nước và thường tiến triển đến đỏ loét. Các bậc phụ huynh có thể thấy các tổn thương này ở lưỡi, nướu và bên trong má.
Dấu hiệu ở chân tay: trong lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông, vùng kín… của trẻ sẽ phát ban dạng mụn nước.
Đặc biệt là bệnh có thể gây biến chứng rất nhanh về thần kinh và hệ hô hấp như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Những con đường lây lan bệnh
– Bệnh có thể được lây theo đường tiêu hóa, mụn nước bị vỡ, nước bọt, phân, vết phỏng nước, dịch tiết mũi họng…
– Khi tiếp xúc thường xuyên với đồ dùng, bề mặt bàn ghế, nghịch dưới sàn nhà… hay tiếp xúc với những trẻ khác bị nhiễm virus cũng là con đường lây bệnh.
– Bệnh có thể lây qua đường không khí do dịch tiết ra ỡ mũi họng khi bệnh ho, hắt hơi…
– Trong tuần đầu tiên, bệnh sẽ lây lan rất nhanh, tuy nhiên sau khi đã hết bệnh, trong khoảng thời gian từ vài ngày đến vài tuần, bệnh nhân vẫn có thể là nguồn lây lan bệnh.
Trong một số trường hợp đặc biệt, bệnh nhân có thể mang virus trong người, tuy nhiên lại không bị phát bệnh thì họ vẫn là nguồn lây lan bệnh.
Phòng bệnh
Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp phòng bệnh đặc hiệu cho Bệnh Tay – Chân – Miệng cũng như các bệnh khác do enterovirrus không phải bại liệt khác nhưng biện pháp vệ sinh chặt chẽ có thể hạ thấp nguy cơ nhiễm bệnh. Các biện pháp có tác dụng là thường xuyên rửa tay đặc biệt là sau mỗi lần thay tã.
Trách nhiệm của phụ huynh trong việc phòng bệnh:
– Trước khi phụ huynh chuẩn bị chế biến thức ăn, trước khi cho con ăn, đặc biệt là sau khi lau dọn nhà cửa, đi vệ sinh hay sau khi thay tã cho bé phải rửa tay sạch bằng xà phòng.
– Hàng ngày, phải thường xuyên lau rửa, khử trùng đồ chơi của trẻ, hoặc các bề mặt trẻ hay tiếp xúc như sàn nhà, bàn…
– Trong thời gian dịch bệnh, nên hạn chế hôn trẻ.
Các biện pháp bảo vệ cho trẻ:
– Rửa tay sạch sẽ, nhất là sau khi đi vệ sinh, thay tã hoặc don dẹp các vật dụng có phân trẻ.
– Trong thời gian dịch bệnh, phải theo dõi sức khỏe của trẻ thường xuyên, để phát hiện bệnh sớm nhất có thể.
– Đồ ăn, thức uống cho trẻ cần phải được đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh, phụ huynh không nhai rồi mớm đồ ăn cho trẻ, tuyệt đối không nên cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi…
– Tăng cường sức để kháng cho trẻ bằng cách đảm bảo cho trẻ ngủ đủ giấc, chế độ vận động thể dục thể thao hợp lý… Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần bổ sung cho trẻ bữa ăn đa dạng, giàu dinh dưỡng, vitamin. Chú ý bổ sung thêm vitamin C cho trẻ, bởi vì vitamin C đóng vai trò quan trọng nhất với sức đề kháng của trẻ. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần lưu ý rằng, trong quá trình bảo quản và chế biến, vitamin C rất dễ bị mất đi.