Bệnh viêm não Nhật Bản có thể xuất hiện ở mọi thời điểm trong năm, nhưng sẽ là cao điểm ở các tháng 5, 6 và 7. Hiện tại, số lượng bệnh nhi bị viêm não Nhật Bản được nhập viện đang có dấu hiệu tăng lên. Phòng tránh tốt và nhận diện sớm là biện pháp tốt để hạn chế quá tải cho bệnh viện, phụ huynh và điều trị hiệu quả hơn.
Không có dấu hiệu cụ thể
Theo BS Đỗ Thiện Hải cho biết, đây là một trong những căn bệnh rất khó phát hiện, hầu hết các ca viêm não Nhật Bản đều có biểu hiện giống như các bệnh nhiễm virut khác: trẻ có thể bị ho, sốt, chảy mũi hoặc hắt hơi,… Do đó, trong vòng 2 – 3 ngày đầu nếu bệnh không có diễn biến cấp tính thì các bậc phụ huynh rất khó để phân biệt được trẻ có phải nhiễm viêm não Nhật Bản hay không.
Khoảng thời gian từ 1-6 ngày sau khi bị virus xâm nhập, bệnh nhân có sốt kèm theo ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn liên tục (không liên quan đến bữa ăn của trẻ).
Nhiều phụ huynh khi thấy con có các biểu hiện như ho, sốt, sổ mũi thông thường như vậy thì tưởng là con chỉ bị cảm cúm nhẹ hoặc tự ý mua thuốc cho con uống. Đến khi bé có nhiều biểu hiện nguy kịch mới vội vả đưa đến bệnh viện để cấp cứu.
Theo BS Hải, điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của con, hơn nữa hiện tại đang là đỉnh điểm của bệnh viêm não Nhật Bản. Chính vì vậy, khi phát hiện trẻ có những biểu hiện như sốt, nôn, đau đầu,… thì ngay lập tức các bậc phụ huynh phải nghĩ nhiều đến bệnh viêm não và đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ hoặc nhân viên y tế thuộc khoa nhi tư vấn và cho biết cách theo dõi triệu chứng bệnh như thế nào.
Tuyệt đối không được để xảy ra các trường hợp như mẹ thấy con bị nôn thì cứ “khăng khăng” là biểu hiện của bệnh viêm họng và tự cho con uống thuốc mà không đưa con vào viện.
BS Hải cho biết, để chắc chắn trẻ bị bệnh gì thì nên đưa trẻ đến viện để được các bác sĩ chuyên khoa nhi khám.
Vì thế, tránh để bé có biểu hiện nguy kịch mới nhập viện, ảnh hưởng đến quá trình điều trị và khiến con mang di chứng nặng nề thì ngay khi con có biểu hiện như trên thì ngay lập tức hãy đưa con đến viện để được khám và điều trị kịp thời.
Khả năng hồi phục
BS Hải cho biết, nếu trẻ được đưa tới bệnh viện sớm để khám và điều trị kịp thời thì sau khoảng 1 tuần đến 10 ngày trẻ có thể hết viêm cấp, sau đó thì có thể hồi phục.
Tuy nhiên, với những bệnh nhân bị biến chứng thì có thể mang di chứng đặc biệt nặng nề. Bệnh gây tử vong cao (10-20%) hoặc di chứng thần kinh lớn như động kinh, giảm học lực, đần độn, liệt, thất ngôn.
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng đừng quá lo lắng, bởi vì hiện ngành y học đã có kĩ thuật điều trị khá tốt, khả năng hồi phục có thể đạt tới 80 – 90%. Điều quan trọng các bậc phụ huynh cần làm là phải hết sức cảnh giác với bệnh và đưa con đến khám, điều trị kịp thời.
Cách phòng tránh viêm não Nhật Bản
Theo BS Đỗ Thiện Hải, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát các bậc phụ huynh cần lưu ý tới những vấn đề sau để có thể phòng tránh viêm não Nhật Bản cho con:
-Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm văcxin phòng viêm não Nhật Bản nhằm tạo miễn dịch chủ động. Liệu trình tiêm phòng cần đủ 3 liều: 2 mũi đầu cách nhau 1-2 tuần, mũi thứ 3 nhắc lại sau 1 năm. Văcxin viêm não Nhật Bản bắt đầu tiêm khi trẻ được 1 tuổi.
-Các bậc phụ huynh nên dành một chút thời gian để xem các phương tiện truyền thông, bởi vì vào mùa bệnh dịch bùng phát thường sẽ có rất nhiều thông tin liên quan đến diễn biến của bệnh và các bác sĩ sẽ lưu ý đến các triệu chứng đặc biệt về bệnh dịch đó để các bậc phụ huynh có thể tham khảo, đối chiếu với các dấu hiệu bệnh của con…
Các bậc phụ huynh không được chủ quan và tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về cho con uống khi con có những biểu hiện ho, sốt, sổ mũi…