Một người phụ nữ sắp mang thai thường được nghe nói đến và biết rõ rằng mình sẽ bị buồn nôn, đau lưng hoặc đau vú khi có chửa. Tuy nhiên, còn có nhiều triệu chứng khó chịu khác của thai kỳ mà họ không được nhắc đến và tư vấn giải pháp phù hợp cho từng vấn đề đó. Họ phải cố gắng chịu đựng hoặc loay hoay để tự vượt qua những vấn đề ở dưới đây.
Tâm trạng chán nản
Biết mình có thai có thể là một niềm hạnh phúc vô bờ bến đối với một người phụ nữ và một gia đình đang mong chờ. Tuy nhiên trong thai kỳ, có những hooc-môn khiến cho phụ nữ dễ bị trầm cảm, vấn đề càng trầm trọng hơn khi có những áp lực về cuộc sống, gia đình, công việc… Những thay đổi về thể trạng cơ thể, sự “xuống sắc” của người phụ nữ cũng góp phần tạo nên tâm trạng chán nản của họ. Tình trạng này càng tồi tệ hơn với những người phụ nữ mang thai ngoài ý muốn.
Biểu hiện của tình trạng này là sự bơ phờ, mệt mỏi, ít khi biểu hiện niềm vui, thỉnh thoảng khóc lóc, thậm chí có suy nghĩ muốn tự vẫn!
Giải pháp cho vấn đề này là phụ nữ mang thai cần được chăm sóc, quan tâm chu đáo của người thân, nhất là của cha đứa trẻ. Ngoài ra, yếu tố dinh dưỡng cũng góp phần làm giảm sự stress ở thai phụ, họ nên sử dụng các loại trà thảo mộc để có thể có được tâm trạng tốt hơn. Cuối cùng là sự tư vấn tâm lý của bác sĩ, đó là điều cần thiết để giúp cho mẹ bầu vượt qua tâm trạng không tốt của mình.
Sức ép dồn xuống dưới
Đến tuần thứ 26 của thai kỳ người mẹ đã cảm thấy sức ép dồn xuống phía dưới, dường như đứa trẻ đang có ‘tham vọng’ để thấy được ánh sáng ban ngày! Cảm giác này khiến nhiều phụ nữ mang thai phải lo lắng. Đặc biệt là với các phụ nữ mang thai lần thứ hai, họ thường phàn nàn về cảm giác này hơn, họ cảm thấy đã đẩy đứa trẻ về cửa xương chậu của mình.
Trong trường hợp này, thai phụ phải biết rằng đó là cảm giác bình thường và tử cung ở lần mang thai thứ 2 có phần thấp hơn so với lần mang thai thứ nhất và trọng lượng ngày càng tăng của thai nhi tiếp tục kéo toàn bộ tử cung đi xuống. Phải nhận thức được rằng tử cung và cổ tử cung vẫn đủ sức nâng đỡ đứa trẻ, hoàn toàn không có chuyện sẽ đẻ non vì cảm giác này.
Bí tiểu
Đó là tình trạng khá phổ biến trong 3 đến 4 tháng đầu tiên, nó có thể khiến cho người phụ nữ phải ‘lao vào’ nhà vệ sinh khi mà bàng quang chưa đầy nước. Đôi khi, chỉ có sự kiên nhẫn mới giúp cho bàng quang đầy nước và thai phụ đi tiểu một cách miễn cưỡng. Người ta tin rằng những thay đổi nội tiết tố chịu trách nhiệm về tình trạng bí tiểu tạm thời này. Chứng nhiễm trùng đường tiết niệu không phải là nguyên nhân của tình trạng này, bởi vì nó khá phổ biến trong thai kỳ. Tình trạng bí tiểu sẽ biến mất sau một vài tuần. Việc thai phụ cố gắng uống ít nước là sai lầm. Ngược lại, nhiều phụ nữ cho biết họ đi tiểu dễ dàng hơn khi họ uống nhiều nước hơn.