Nuôi trẻ để đi ăn xin, đi bán kẹo cao su, bán báo, hoặc mang chúng theo để lợi dụng mọi người thấy hoàn cảnh thương tâm mà giúp đỡ đã là hành vi đáng lên án. Gần đây, việc tái xuất hiện trộm cắp chuyên nghiệp bằng thủ đoạn “nhờ” trẻ em ăn trộm, móc túi xảy ra ở nhiều địa phương đã khiến không ít ông bà chủ cửa hàng lo ngại…
Anh Phạm Thanh Sơn, chủ một cửa hàng quần áo ở Quan Thánh, Hà Nội là một người rất cảnh giác, nhưng vừa qua đã bị “dính chiêu” trộm ngoạn mục của một… đứa trẻ. Chiều cuối tháng 4/2010, có một phụ nữ dẫn theo một đứa trẻ bước vào cửa hàng, nhìn dáng vẻ như hai mẹ con. Người phụ nữ ăn mặc đẹp và nói năng, tỏ thái độ rất lịch sự. Đứa con trai bé chừng 4, 5 tuổi xinh xắn, dễ thương, còn được mẹ bảo phải chào các cô bán hàng thật lễ phép. Sau đó, chị ta bắt đầu thử quần áo và yêu cầu nhân viên đổi hết bộ này đến bộ kia. Lúc này, hai nhân viên chú tâm phục vụ khách mà không mảy may để ý hoặc nghi ngờ đứa bé đang quanh quẩn chơi bên cái ngăn kéo đựng tiền vẫn đang để hờ không khóa. Lâu sau khi thử chán chê, người phụ nữ tỏ ý không ưng bộ nào và hỏi bao giờ có hàng mới để chị ta quay lại lấy.
Nhiều trẻ em đã bị “dạy” cách kiếm tiền khi mới chập chững biết đi.
|
Người phụ nữ và đứa trẻ vừa đi, nhân viên chột dạ nhớ tới cái ngăn kéo tiền khép hờ, nhớ tới thằng bé cứ loanh quanh ở đó, vội chạy lại kiểm tra thì đã thấy cái ví đựng hơn 3 triệu đồng tiền bán hàng không ở trong đó nữa.
Anh Sơn than thở: “Không thể tưởng tượng nổi đứa trẻ dễ thương ấy lại có tương lai là ăn cắp và tù tội. Tôi xót tiền thì ít, mà thấy xót xa cho đứa bé và căm phẫn hành vi dụ dỗ trẻ kiểu này”.
Tương tự là trường hợp anh Lê Văn Khánh (Đại La, Hà Nội), chủ một tiệm bán sim, thẻ điện thoại. Hôm ấy một người phụ nữ ăn mặc đẹp, lịch sự, đi xe tay ga, chở theo một bé chừng 5 tuổi tới hỏi mua sim điện thoại. Chị ta gắng hỏi lung tung, thật lâu và thật nhiều nhằm đánh lạc hướng người bán hàng, trong khi cậu bé cứ vờ chạy quanh rồi… nhặt sim đút túi. Anh Khánh cảnh giác đã kịp thời phát hiện và lấy lại trong túi cậu bé một nắm đầy sim, card giá trị cả chục triệu đồng. Tuy nhiên, anh chẳng thể khép tội cậu bé đó ăn trộm, đành phải bỏ qua. Trong khi người phụ nữ nọ vẫn thản nhiên cười, rồi mắng té tát cậu bé như thể một người mẹ mắng đứa con hư, “nghịch ngợm linh tinh”.
Ngày 22/4/2010 vừa qua, CA phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy đã phát hiện, tạm giữ đối tượng Phạm Minh Phú (SN 1986, ở Cổ Nhuế, Từ Liêm) về hành vi dụ dỗ, chăn dắt trẻ em đi ăn cắp. Sáng 20/4, cháu Nguyễn Đức Tùng (13 tuổi, quê Sơn Dương, Tuyên Quang) mới cùng bố mẹ xuống Hà Nội khoảng một tuần nay, đang đứng đầu ngõ 79 Dương Quảng Hàm thì Phú đi qua cùng một đối tượng khác rủ cháu Tùng đi chơi. Chúng mua quà bánh cho cháu Tùng ăn và bắt trộm cắp đồ của du khách. Sau đó, Phú và đồng bọn lại dắt cháu Tùng đi vào các khu dân cư, nhà chưng cư, bắt Tùng trộm cắp giày dép, tài sản của các gia đình để ngoài cửa. CA phường Dịch Vọng đã kịp thời giải cứu cháu Tùng đồng thời liên hệ với bố mẹ cháu để nhận lại con.
Những nạn nhân vụ trộm đều cho rằng họ không chắc là có đúng là mẹ con không vì người phụ nữ có thể “mượn” đứa trẻ đó giả vờ làm con mình. Nhưng rõ ràng giá trị con người và tình cảm, trách nhiệm là điều khiến chúng ta trăn trở. Thủ đoạn này còn tinh vi ở chỗ là nếu có bắt quả tang đứa bé lấy tiền thì người phụ nữ chỉ việc bảo: Ấy! sao con lại nghịch thế? trả lại cho các cô đi con! Thế là không có ai nghi ngờ gì cả, và có nghi cũng không bắt bẻ được đứa trẻ “nghịch ngợm, hiếu động”.
Trẻ thơ như tờ giấy trắng và những kẻ vô lương tâm đã thật sự là kẻ hại trẻ!