Cây hẹ vốn là một gia vị quen thuộc trong chế biến các món ăn hàng ngày, tuy nhiên trong dân gian cây hẹ còn có nhiều tác dụng trong việc chữa bệnh.
Cây hẹ là cây thân thảo, có chiều cao khoảng 20-40 cm, giàu dược tính và có mùi thơm rất đặc trưng, vị cay hơi chua, hăng, tính ấm, có tác dụng trợ thận, bổ dương, ôn trung, hành khí, tán huyết, giải độc, cầm máu, tiêu đờm.
Cây hẹ dễ trồng, có thể gieo hạt hoặc trồng bằng cách tách nhánh. Cây không cần chăm sóc nhiều nhưng vẫn xanh tốt quanh năm và thu hoạch nhiều lần bằng cách cắt lá.
Bài thuốc gần gũi và được nhiều người biết đến nhất từ cây hẹ có lẽ là chữa ho cho bé bằng cách ngắt vài lá hẹ hấp cơm với mật ong và cho bé uống. Bên cạnh đó cây hẹ hấp cơm rồi chà nhẹ vào lọi của trẻ nhỏ khi đầy tháng sẽ giúp trẻ lúc mọc răng không bị đau và sốt.
Dưới đây là một số công dụng chữa bệnh từ cây hẹ:
Chữa cảm lạnh: Lá hẹ tươi 250g, gừng tươi 25g, cho thêm ít đường hấp cách thủy hoặc hấp trong nồi cơm cho chín, ăn cái, uống nước. Dùng liền 5 ngày.
Chữa đau răng: Bạn lấy một ít hẹ cả lá và rễ, sau đó rửa sạch, để cho khô ráo rồi giã nhuyễn và đặt vào chỗ răng đau ngậm một lúc. Tốt nhất bạn nên làm vào buổi trưa hoặc tối, lúc có thể nằm thư giãn được. Bạn đắp một vài lần sẽ thấy đỡ.
Giúp nhuận tràng: Hạt hẹ sao vàng và nghiền nhỏ. Sau đó bạn hòa bột hẹ với nước sôi và uống mỗi ngày 3 lần, liên tục mỗi đợt khoảng 10 ngày. Mỗi lần pha khoảng 5g.
Chữa ho ở trẻ nhỏ: Lá hẹ rửa sạch, cắt nhỏ, sau mang hấp trong nồi cơm cùng với đường phèn hoặc mật ong. Cho trẻ uống đều ngày 2 đến 3 lần, tốt nhất là vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ.
Chữa đái dầm ở trẻ nhỏ: Bạn nấu cháo gạo cho chín, sau đó dùng một ít rễ hẹ vắt lấy nước rồi cho vào cháo đun sôi lên là được. Món cháo thêm chút đường, ăn nóng, ăn liên tục trong 10 ngày.
Ngoài ra trong dân gian còn dùng cây hẹ trong việc điều trị bệnh xuất tinh sớm ở nam giới bằng cách dùng 200g rau hẹ xào cùng với 200g tôm nõn rồi ăn hàng ngày trong các bữa cơm gia đình.