Tháng 1/2010, một người đàn ông Đài Loan đã chết sau khi xem phim Avatar 3D. Nguyên nhân được cho là đột quỵ vì huyết áp cao. Kể từ đó cho tới nay, vẫn chưa có bất cứ cảnh báo nào của cơ quan chức năng các nước, kể cả Việt Nam, về những nguy cơ mà người xem phim 3D có thể gặp phải.
Nguy cơ không được cảnh báo
Cũng vẫn trong vụ đột tử đầu tiên liên quan tới xem phim 3D trên, các bác sĩ cho biết người đàn ông này có tiền sử cao huyết áp, và đã tỏ ra quá hứng khởi trong khi xem phim. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, người này cảm thấy mệt mỏi và có những dấu hiệu bất thường. Sau khi bị hôn mê và được đưa vào phòng cấp cứu, bệnh nhân đã không tỉnh lại và qua đời 11 ngày sau đó.
Tuy không đến nỗi đột quỵ nhưng đã có khá nhiều trường hợp người xem cho biết họ cảm thấy mệt mỏi sau khi xem phim 3D. Điều nguy hiểm ở chỗ những người xem phim 3D không chỉ có mỗi người lớn mà còn có cả trẻ em và người già. Với những người trưởng thành thì việc cảm nhận và phản ánh những triệu chứng bất thường là điều hiển nhiên, nhưng với trẻ em thì không phải phụ huynh nào cũng biết con cái mình gặp vấn đề gì, nhất là khi trẻ không kể lại, hoặc trẻ không có những dấu hiệu rõ ràng biểu hiện ra ngoài.
Anh Minh, chủ một hàng đồ gỗ nổi tiếng ở Hà Nội, cho biết chỉ khi thấy con trai mình 8 tuổi của mình có dấu hiệu bất thường về thị lực thì mới gặng hỏi và biết rằng cháu bị như thế từ hôm đi xem phim Avatar 3D với bố trước đó một tuần. Theo bác sĩ Huyên tại Bệnh viện mắt Trung ương thì trẻ em mới là đối tượng chịu tác động nhiều nhất khi xem phim 3D. Hệ thần kinh của trẻ chưa hoàn thiện cộng với nhận thức chưa đầy đủ về các triệu chứng mệt mỏi khiến cho trẻ lầm tưởng đó chỉ là cảm giác mệt thông thường. Trong khi đó, phụ huynh cũng không được cảnh báo đầy đủ về các nguy cơ mà trẻ và thậm chí là cả bản thân họ có thể gặp phải khi xem phim 3D.
Vẫn theo bác sĩ Huyên, các triệu chứng “3D” trở nên rõ rệt và nguy hiểm hơn nhất là khi xem các cảnh phim 3D chuyển động ở tốc độ cao và trong một thời gian dài. Hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa có trường hợp nào đột quỵ sau khi xem phim 3D nhưng những trường hợp mệt mỏi và suy giảm thị lực không phải là cá biệt. Có lẽ cũng chưa có tiền lệ nào nên cho tới nay Bộ Y tế cũng chưa có bất cứ cảnh báo nào về nguy cơ mà người xem phim 3D có thể gặp phải.
Trong khi đó, phim 3D mà khởi đầu là siêu phẩm Avatar đã được trình chiếu tại Việt Nam từ cuối tháng 11/2009. Đã có khá nhiều người, chủ yếu là giới trẻ, đã nô nức kéo tới xem bộ phim 3D này. Avatar quả xứng danh là một tác phẩm điện ảnh để đời của đạo diễn James Cameron. Người xem như bị cuốn hút và những cảnh lạ mắt trong phim, cùng hiệu ứng 3D hoành tráng, tạo cảm giác như họ đang là một phần của bộ phim.
Những ai không nên xem phim 3D?
Theo khuyến cáo của bác sĩ, các đối tượng như trẻ em người già, phụ nữ có thai hoặc những người có tiền sử cao huyết áp hoặc động kinh đều không nên xem phim 3D, hoặc cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi xem. Riêng đối với thanh thiếu niên cần phải theo dõi sát sao những dấu hiệu bất thường trong và sau khi xem phim 3D và có các điều chỉnh cần thiết, chẳng hạn như nghỉ giải lao khi xem. Nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường nào như hoa mắt, chóng mặt, đau đầu… đều phải gặp bác sĩ để có lời khuyên chữa trị đúng đắn.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyến cáo rằng người xem, nhất là trẻ em và người già, cần tránh xem những hình ảnh 3D chuyển động ở tốc độ cao. Khi đó hệ thần kinh sẽ bị kích thích ở mức tối đa và rất có thể sẽ có hiện tượng mệt mỏi hoặc căng thẳng. Trong khi đó, các bậc phụ huynh cũng nên theo dõi và hỏi con mình xem chúng có gặp vấn đề về thần kinh, thị giác và những dấu hiệu bất thường nào khác hay không.
Những dấu hiệu thường thấy khi xem phim hoặc chơi game 3D có thể bao gồm: cảm giác mệt mỏi, hao tổn giác quan, khả năng định hướng kém, căng thẳng thị giác, khả năng phản xạ kém, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, hoặc mệt mỏi. Nếu có những triệu chứng này thì bạn nên người xem phim và nghỉ ngơi cho tới khi nào cảm thấy bình thường trở lại. Thời gian nghỉ ngơi tối thiểu phải là 30 phút sau khi xem.
Đeo kính 3D quá lâu cũng khiến cho mắt khô và mệt mỏi. Hiển nhiên, điều này chỉ xảy ra khi xem phim hoặc chơi game 3D. Tuy nhiên, cũng có trường hợp đeo kính 3D cho… oai hoặc chỉ đơn giản là làm kính dâm hoặc để bảo vệ mắt. Các chuyên gia khuyến cáo rằng tuyệt nhiên không được sử dụng kính 3D cho những trường hợp này. Kính 3D chỉ sử dụng duy nhất cho mục đích xem phim hoặc chơi game 3D mà thôi.
Ngoài ra, người xem cũng được cảnh báo rằng sẽ có hiện tượng mất phương hướng sau khi xem phim 3D. Chính vì vậy, khi xem phim 3D tại nhà nên để TV trong phòng, tránh đặt ở gần cầu thang, cửa sổ đang mở, hoặc những vật có thể gây va đập hoặc đổ vào người. Thêm vào đó, khi xem phim 3D cần tắt tất cả đèn huỳnh quanh và không cho ánh sáng chiếu trực tiếp vào TV. Ánh sáng huỳnh quang có thể khiến cho mất bị giật sau khi xem, và ánh sáng trực tiếp từ mặt trời có thể ảnh hưởng tới hoạt động của kính 3D.