Dù thời điểm này miền Bắc mới bước vào những ngày nắng nóng đầu tiên của mùa hè, song tại các BV chuyên khoa nhi đã bắt đầu ghi nhận một số trẻ bị viêm não nhập viện với nhiều biến chứng rất nặng. Các bác sĩ nhận định, thời gian tới số bệnh nhi bị viêm não sẽ gia tăng.
Hầu hết là ca bệnh nặng
Trên thực tế tại BV Nhi Trung ương vẫn thường xuyên tiếp nhận rải rác một số bệnh nhi bị viêm não vào điều trị, nhưng vài tuần gần đây lượng bệnh nhân đã bắt đầu có xu hướng tăng lên. Tại khoa Truyền nhiễm của BV, tính đến chiều 4-5, tổng số bệnh nhi bị viêm não điều trị từ đầu năm 2010 đã lên đến 24 cháu. Hầu hết các cháu nhập viện trong tình trạng bệnh nặng, suy hô hấp, co giật, hôn mê…
Tại phòng bệnh 115 – khoa Truyền nhiễm, bệnh nhi N.T.T., mới 7 tháng tuổi (ở TP Thanh Hóa), đã qua điều trị đến hơn 1 tháng nhưng vẫn trong tình trạng lơ mơ, chân tay luôn quờ quạng vô thức. Chị Hiền, mẹ cháu bé phải “thường trực” ngồi giữ và bế con trở lại chỗ nằm để cháu khỏi rơi xuống đất do co giật.
Theo lời kể của chị Hiền, chỉ sau 2 ngày sốt 38,5 độ C kèm co giật, cháu T. cứ dần ngây dại đi. Khi đưa đến BV Nhi Trung ương mới được các bác sĩ cho biết cháu bị viêm não và đã biến chứng nặng. Sau đợt điều trị cấp cứu tại BV Nhi, cháu sẽ được đưa sang Viện Châm cứu Trung ương để tiếp tục phục hồi nhưng kết quả hồi phục cụ thể ra sao cũng chưa nói trước được. Có thể, cháu sẽ bị kém phát triển trí não.
Cạnh phòng bệnh nhi T là trường hợp bệnh nhi N., 3 tuổi (ở Ba Vì, Hà Nội), được gia đình đưa đến viện 4 ngày trước trong tình trạng co giật, giảm vận động nửa người bên trái. Bố mẹ cháu cho biết, trước đó cháu sốt cao, nôn nhiều kèm co giật nhưng chủ quan nghĩ cháu chỉ bị cảm sốt thông thường nên tự điều trị tại nhà. Chỉ đến khi thấy con giảm vận động mới đưa đi khám. Kết quả chụp cắt lớp não cho thấy, cháu bé bị tổn thương não. Rất may, cháu bé đã hồi phục tốt trong quá trình điều trị và có khả năng không để lại di chứng nào.
Bác sĩ Hồ Anh Tuấn, khoa Truyền nhiễm – BV Nhi Trung ương cho biết, trung bình cứ 10 ca viêm não nhập viện thì có đến 6 ca trong tình trạng bệnh nặng và rất nặng, chủ yếu gặp phải ở các bệnh nhi ở tỉnh xa.
Nguyên nhân do triệu chứng ban đầu của bệnh viêm não thường giống với các bệnh sốt do virus thông thường như sốt cao, chưa có biểu hiệu rối loạn tri giác nên các bậc cha mẹ không phát hiện được bệnh sớm, thường chủ quan, cho con điều trị tại nhà bằng các loại thuốc kháng sinh, hạ sốt…, chỉ khi bệnh đã tiến triển nặng mới đưa đi BV khám.
Tiêm vaccine để phòng bệnh
Theo bác sĩ Tuấn, đa số các ca viêm não đều do virus gây nên nhưng để xác định cụ thể do virus nào thì không hề dễ. Ở nước ta, dạng viêm não thường gặp hơn cả là viêm não Nhật Bản, bên cạnh đó là viêm não do virus Herpes (chiếm khoảng 15%) và một số loại virus gây viêm não khác như EV, CMV…
Ngay cả khi xác định được chủng virus gây bệnh cũng chỉ viêm não do virus Herpes mới có thuốc đặc trị. Với những trẻ bị mắc viêm não được phát hiện, điều trị muộn có thể để lại biến chứng nặng nề như phù não, hoại tử, bại não, suy giảm các chức năng hô hấp, để lại các di chứng, đặc biệt về thần kinh, liệt vận động, tâm thần, cảm giác… Tỷ lệ để lại di chứng lên đến 50-60%, tỷ lệ tử vong cũng rất cao (khoảng 20-30%).
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ trong độ tuổi tiêm chủng, đồng thời phòng bệnh cho trẻ bằng các biện pháp thông thường như chế độ dinh dưỡng đảm bảo để tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh. Khi trẻ có các biểu hiện sốt, rối loạn tri giác (khóc nhiều, ngủ lơ mơ hoặc hôn mê, co giật), nôn nhiều, giảm vận động, đối với những trẻ nhỏ thường sốt kèm theo quấy khóc nhiều, ngủ nhiều hoặc ít hơn so với ngày thường; hoặc trẻ ở dạng ngủ gà,… nên đưa trẻ đi khám ngay để phát hiện và điều trị kịp thời.
Riêng với viêm não Nhật Bản, bệnh thường gia tăng mạnh vào mùa hè, cao điểm nhất khoảng tháng 6-8. Theo thống kê, mỗi năm cả nước có 2.500-3.000 ca viêm não, trong đó viêm não Nhật Bản B chiếm 40-60%. Tuy vậy, cả nước mới có khoảng trên 60% trẻ em dưới 5 tuổi được tiêm vaccine phòng viêm não Nhật Bản. Tỷ lệ trẻ ngoài độ tuổi này chưa được tiêm phòng khá cao.
Tại Hà Nội, vào tháng 3 vừa qua, TTYTDP Hà Nội đã tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng viêm não Nhật Bản miễn phí cho toàn bộ trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi trên địa bàn chưa được tiêm vaccine này. Qua 2 đợt chiến dịch (cách nhau 1 tuần), tỷ lệ trẻ trong danh sách được tiêm đến các trạm y tế tiêm phòng đạt 95,4%. Vào tháng 10 tới, TTYTDP thành phố sẽ tiếp tục tổ chức 1 đợt tiêm vét cho các cháu chưa tiêm trong đợt 1 và các cháu tiêm mũi 3.