Những trẻ xem tivi quá nhiều ở độ tuổi thứ hai sẽ đối mặt với nhiều vấn đề trong tương lai như giảm hứng thú học tập, lười vận động cơ thể và dễ bị bạn cùng lớp bắt nạt.
Ảnh: gawker.com.
Nhiều nhà khoa học từng nghiên cứu những tác động của việc xem tivi đối với trẻ em, song rất ít người tìm hiểu những tác động đối với trẻ dưới hai tuổi.
Livescience cho biết, các nhà khoa học của Đại học Montreal, Canada thu thập dữ liệu của 1.300 trẻ em tại Quebec, Canada trong khoảng thời gian từ năm 1997-1998. Sau đó họ tiếp tục theo dõi các em trong những năm tiếp theo. Nhóm nghiên cứu hỏi cha mẹ các bé về thời gian con họ xem tivi khi chúng được 29 tháng và 53 tháng.
Khi trẻ học tới lớp 4, nhóm nghiên cứu yêu cầu các giáo viên dạy chúng đánh giá khả năng đọc, làm toán, mức độ chú ý nghe giảng, quan hệ với bạn bè và nhiều khía cạnh khác. Giáo viên cũng đánh giá các tương tác xã hội của trẻ, như hành vi bắt nạt hoặc giúp đỡ học sinh khác.
Kết quả cho thấy thời gian xem tivi trung bình của trẻ ở tháng thứ 29 là 1,2 giờ mỗi ngày. Trong khi đó, Viện nghiên cứu bệnh trẻ em Mỹ khẳng định trẻ em dưới hai tuổi không nên xem tivi, còn trẻ trên hai tuổi chỉ xem tối đa hai giờ mỗi ngày.
Cứ mỗi giờ xem tivi nhiều hơn mức trung bình, trẻ sẽ đối mặt với những nguy cơ sau:
– Bị bạn cùng lớp hoặc cùng trường bắt nạt: 10%
– Giảm mức độ hoạt động thể chất: 13%
– Tăng chỉ số khối lượng cơ thể (tỉ số giữa chiều cao và trọng lượng): 5%
Theo Livescience, kết quả vẫn đúng ngay cả khi các nhà nghiên cứu loại trừ những yếu tố có thể ảnh hưởng như giới tính, thời gian ngủ, trình độ học vấn của mẹ, tính cách của trẻ, thời gian trẻ xem tivi mỗi ngày.
Linda S. Pagani, trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng xem tivi quá sớm và quá nhiều gây nên tác động lâu dài vì nó xảy ra vào giai đoạn mà não và lối sống của trẻ đang phát triển.
“Xem tivi là một hoạt động thụ động cả về trí óc lẫn thể chất. Khi hoạt động ấy xảy ra vào giai đoạn mà bộ não đang phát triển, lối sống và sở thích đang hình thành thì sẽ có nhiều hậu quả tiêu cực xuất hiện trong tương lai”, Pagani nói.