Mỗi năm, hàng trăm ngàn phụ nữ chết và 3 triệu trẻ sơ sinh không thể sống qua tuần đầu tiên do thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và các cô đỡ có kỹ năng. Đồng thời với cái chết bi thương của mỗi bà mẹ thì có tới 20 phụ nữ khác chịu những đau đớn và bệnh tật lâu dài.
Chính vì vậy, nhân ngày Quốc tế nữ hộ sinh 5/5/2010, Liên minh các nữ hộ sinh quốc tế (ICM) và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) có thông điệp chung “Thế giới cần các cô đỡ hơn bao giờ hết” – kêu gọi các quốc gia giải quyết khẩn cấp việc thiếu 350.000 nữ hộ sinh có kỹ năng trên toàn thế giới, nhằm giúp đảm bảo cuộc sống cho mọi phụ nữ và trẻ em.
“Không nên có bất cứ phụ nữ nào phải chết trong quá trình sinh con. Cần thiết phải gia tăng đầu tư vào đội ngũ cô đỡ có kỹ năng cũng như các dịch vụ cấp cứu và đây cần phải là một ưu tiên hàng đầu trong chương trình, chính sách và ngân sách của ngành y tế”, bà Thoraya Ahmed Obaid, Giám đốc Điều hành UNFPA nói. Còn bà Agneta S.Bridges, Tổng Thư ký ICM cho rằng: “Cô đỡ có kỹ năng là hết sức cần thiết đối với các cộng đồng xa xôi hẻo lánh, đặc biệt trong các hoạt động cung cấp kế hoạch hoá gia đình, tư vấn và phòng chống HIV từ mẹ sang con. Việc các bà mẹ được chăm sóc tốt trong cả quá trình mang thai, sinh con và chăm sóc sau sinh, có thể giúp phòng chống tới 90% tỉ lệ chết bà mẹ”.
Giờ học thực hành của lớp “Cô đỡ thôn bản” tại Bệnh viện tỉnh Hà Giang.
Tiến sĩ Lưu Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, trong những năm qua, các chỉ số về sức khoẻ bà mẹ – trẻ em của Việt Nam được đánh giá là khá tốt so với nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập quốc dân trên đầu người. Các tỷ lệ chết mẹ và tỷ lệ chết trẻ em đều đã giảm nhanh và giảm đáng kể. Tuy nhiên, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, tỉ lệ tử vong mẹcòn cao gấp 3 – 4 lần so với ở vùng đồng bằng.
Theo số liệu của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, năm 2009, trung bình tỉ lệ phụ nữ sinh đẻ do cán bộ được đào tạo hỗ trợ, chăm sóc trên cả nước đạt 94,8%. Tuy nhiên, theo báo cáo vẫn còn 5,2% số bà mẹ trong toàn quốc, 20% số bà mẹ ở các tỉnh miền núi Tây Bắc khi đẻ chưa được cán bộ được đào tạo hỗ trợ, chăm sóc. Nguyên nhân chính là do đường sá đi lại nên việc tiếp cận với các cơ sở y tế có nhiều khó khăn; Tập tục của người dân ở đây thường đẻ tại nhà, không cho người ngoài đỡ đã dẫn đến những tai biến sản khoa đáng tiếc.
Để ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng trên, thời gian qua Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em đã có các khóa đào tạo cô đỡ dân tộc có kỹ năng cho các tỉnh Hà Giang, Kon Tum, Ninh Thuận, Cao Bằng, Điện Biên. Hơn 500 cô đỡ được đào tạo đã góp phần tư vấn và phát hiện chuyển tuyến kịp thời các trường hợp thai phụ có nguy cơ cao trên địa bàn của mình. Có nơi, người dân vẫn sinh con tại nhà, các cô đỡ đã đến tận nơi để giúp đỡ. TS Hồng cho biết thêm, trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua, Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em phối hợp với UNFPA, chính phủ Hà Lan, UNICEF đào tạo thêm hơn 100 cô đỡ có kỹ năng. Đồng thời, trong thời gian tới Vụ tiếp tục chương trình đào tạo các cô đỡ có kỹ năng cho 14 tỉnh vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.