Hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh, số trẻ mắc bệnh viêm não, viêm màng não nhập viện đã lên đến đỉnh điểm. Trong ngày 4-5, có 48 trẻ mắc bệnh viêm não, viêm màng não điều trị nội trú tại Khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi Ðồng 1, trong đó có đến 14 ca nặng biến chứng thần kinh, hôn mê, suy hô hấp… đang được cấp cứu.
Tại Bệnh viện Nhi Ðồng 2 số trẻ mắc bệnh viêm não, viêm màng não đang điều trị nội trú cũng tăng gấp hai lần so với ngày thường với hơn 20 ca bệnh phải điều trị nội trú. Ngoài ra, đang vào mùa của bệnh tay chân miệng (TCM) nên số bệnh nhi mắc bệnh TCM nhập viện cũng đang ở mức cao. Tại Bệnh viện Nhi Ðồng 1, có 33 bệnh nhi mắc bệnh TCM phải điều trị nội trú. Bệnh viện Nhi Ðồng 2 cũng đang điều trị nội trú cho 40 ca bệnh TCM, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 30 bệnh nhi bị TCM, trong đó có sáu đến bảy ca nặng phải nhập viện điều trị.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi Ðồng 1 cho biết: Thời tiết nắng nóng làm gia tăng bệnh nhi nhập viện do các bệnh viêm não, viêm màng não và TCM. Bệnh viêm não, viêm màng não là loại bệnh nặng phát sinh do các bệnh lý từ mũi, họng, nên các bậc cha mẹ cần lưu ý không để trẻ vui chơi, sinh hoạt quá lâu ngoài trời, không để trẻ tiếp xúc với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột để tránh các bệnh lý từ mũi, họng. Ðối với bệnh TCM phòng bệnh cho trẻ bằng cách giữ gìn vệ sinh trong ăn uống và sinh hoạt, rửa tay thường xuyên, khi thấy trẻ có biểu hiện bệnh nặng như giật mình, chới với thì nên đưa đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
* Hiện nay, dịch sởi ở huyện Mường Nhé (Ðiện Biên) cơ bản được khống chế nhưng dịch hội chứng lỵ tiếp tục bùng phát, nâng tổng số người mắc bệnh tại đây lên gần 100 trường hợp, trong đó đã có hai trường hợp chết. Những nơi mới bùng phát dịch hội chứng lỵ tại huyện Mường Nhé gồm: bản Pá Lùng và Húy To thuộc xã Chung Chải. Tại đây chỉ trong hơn 10 ngày qua đã có 57 trường hợp mắc bệnh; trong đó, có một trường hợp chết. Trước đó, dịch hội chứng lỵ tại huyện này xuất hiện đầu tiên ở bản Cà La Pá, xã Leng Xu Sìn vào ngày 17-4. Theo Sở Y tế Ðiện Biên, địa bàn xảy ra dịch nằm ở vùng sâu, vùng xa, gần biên giới nên việc phát hiện, khống chế và dập dịch gặp một số khó khăn. Ðáng chú ý do ý thức, kiến thức phòng, chống dịch bệnh của người dân quá thấp, ít đến các cơ sở y tế mà chỉ tự chữa trị tại nhà theo các phương pháp dân gian hoặc nhờ thầy mo, thầy cúng chữa… Vì vậy, nhiều trường hợp bị bệnh khi các cơ quan chức năng phát hiện được thì việc cứu chữa đã quá muộn.
Hiện nay, ngành y tế tỉnh Ðiện Biên đã cử cán bộ xuống vùng có dịch để tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong công tác phòng, chống; lập lán trại tại vùng có dịch để thu dung và điều trị kịp thời cho các bệnh nhân… Bên cạnh đó, ngành y tế tỉnh cũng đã tiến hành phun hóa chất vệ sinh môi trường, tẩy trùng nguồn nước tại các xã đang có dịch.