Theo số liệu phân tích từ nghiên cứu mới được công bố của các nhà khoa học Pháp: Phụ nữ mang bầu uống rượu sẽ làm tăng nguy cơ mắc một loại ung thư máu thể hiếm có tên acute myeloid leukemia (AML) ở con sau này đến 56%.
“Các nguyên nhân dẫn đến bệnh bạch cầu ở trẻ em hiện vẫn chưa rõ ràng, nhưng các nhà nghiên cứu ngờ rằng bệnh bắt nguồn từ sự tương tác giữa các gene với môi trường, bao gồm cả rượu” – TS. Paule Latino-Martel thuộc Trung tâm Nghiên cứu Dinh dưỡng Con người tại Pháp cùng các cộng sự lưu ý trong bản báo cáo mới công bố trên tờ Cancer Epidemiology, Biomarkers & Prevention.
Kết quả nghiên cứu được tập hợp từ 21 nghiên cứu trước đó về mối liên quan giữa phụ nữ có thói quen uống rượu ngay cả khi mang thai và bệnh máu trắng ở trẻ em.
Trong thư gửi tới toàn soạn báo Reuters, TS. Julie Ross, ĐH Minnesota (Minneapolis, Mỹ), người không tham gia nghiên cứu, cũng cho rằng:
“Các bà mẹ cần biết AML là loại bệnh rất hiếm (chỉ có 700 ca được chẩn đoán mỗi năm) và xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Kết quả nghiên cứu này không có nghĩa rằng mọi phụ nữ uống rượu khi mang thai đều khiến con mắc bệnh máu trắng. Tuy nhiên, căn cứ vào các nguy cơ khác liên quan đến sử dụng rượu trong giai đoạn mang bầu, kết quả giúp một lần nữa khẳng định sự cần thiết nói “không” với rượu một khi bạn đang hoặc dự định mang thai”.
Bất chấp khuyến cáo về việc không nên sử dụng rượu khi mang thai, vẫn có khoảng 60% phụ nữ Nga uống rượu giai đoạn “bầu bì”. Con số này ở phụ nữ Úc là 59%, Pháp 52%, Thụy Điển 30% và Mỹ 12%.
Riêng với phụ nữ Mỹ, TS. Ross giải thích thêm rằng: Nếu nguy cơ 56% là đúng, và khoảng 12% phụ nữ Mỹ uống rượu khi mang bầu, thì rất có thể, 6% các ca trẻ em nhiễm AML tại Mỹ bắt nguồn từ rượu. Cũng có nghĩa 94% còn lại bắt nguồn từ nguyên nhân khác.