Nên hay không nên dùng thuốc y học cổ truyền trong thời kỳ mang thai? Các bác sĩ Đông y khuyên rằng “nên”. Nhưng uống như thế nào và cắt thuốc ở đâu lại là vấn đề khác. Theo các chuyên gia, nếu lạm dụng thuốc hay dùng sai cách, hậu quả sẽ khôn lường…
Băn khoăn của nhiều bà mẹ
Chị Minh Nguyệt, 32 tuổi, ở phường Kỳ Đồng, quận Hồng Bàng (Hải Phòng), chia sẻ: “Mình đang mang bầu lần thứ 2, tháng thứ 5. Hồi mang bầu lần đầu, mình không uống thuốc Bắc, nhưng khi sinh, em bé vẫn bình thường. Nhưng cô bạn của mình sinh con cùng đợt có uống thuốc Bắc thì sinh em bé có phần khoẻ mạnh hơn hẳn bé con nhà mình. Tuy nhiên, em gái mình ngày trước có bầu cũng uống rất nhiều thuốc Bắc, nhưng khi sinh, em bé nặng chỉ 2kg và phải nuôi lồng kính. Hiện mẹ chồng mình cứ giục đi cắt thuốc Bắc để uống cho bổ thai, mà mình thì vẫn đang băn khoăn không biết có nên uống hay không?!”.
Các bệnh nhân dưỡng thai tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương |
Chị Vũ Thị Hoa (thôn Lục Bắc, Thái Xuyên, Thái Thụy, Thái Bình) cho biết: Ở quê chị, mọi người không chỉ cắt thuốc Bắc mà còn tự tìm thầy đi cắt thuốc Nam về uống. Còn chuyện cắt thuốc Bắc hầm với gà hay chim, ăn tẩm bổ cho bà bầu là chuyện thường ngày. Người có điều kiện hay ít điều kiện, chỉ cần nghe nói có món nào đó tốt cho sức khoẻ mẹ và bé thì ai ai cũng cố lùng cho bằng được mà không cần biết cơ thể mình có cần hay không!?
Dùng sai cách, hậu quả khôn lường
Tuyệt đối không bốc thuốc ở những cơ sở không tin cậy Theo Th.S Hà, mang thai là hiện tượng sinh lý, vì thế nếu bà mẹ mang thai không có biểu hiện bệnh lý thì không nên dùng thuốc y học cổ truyền. Chỉ dùng thuốc khi các bà mẹ có các biểu hiện như nôn nghén quá nhiều, đau bụng, ra máu âm đạo, doạ sảy hoặc có tiền sử sảy thai liên tiếp. Khi đó, các bà mẹ mang thai nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa về y học cổ truyền để được bác sĩ khám, tư vấn, kê đơn bốc thuốc. Tuyệt đối không nên bốc thuốc Bắc, thuốc Nam ngoài chợ hoặc lấy thuốc ở các cơ sở y tế chưa được cấp phép. |
Theo BS – Thầy thuốc Ưu tú Phùng Đình Khánh- Uỷ viên Trung ương Hội Đông y Việt Nam, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Ninh Bình: Thuốc Đông y có nhiều vị, có một số vị tốt với phụ nữ, các bà mẹ mang thai và em bé trong bụng. Có thể kể ra như: Ích mẫu, ngải cứu, hoàng cầm, bạch truật, quy thân, đại táo, nhục thung dung, đỗ trọng, thỏ ti tử, tang ký sinh, thục địa, quy bản… Đây đồng thời là những vị thuốc an thai, dưỡng thai, không gây động thai, sảy thai, ra máu, đau bụng trong thời kỳ mang thai… Tuy nhiên, trước khi uống phải đi khám, bắt mạch, thầy thuốc sẽ cho bài thuốc phù hợp với mỗi người.
BS. Khánh khuyên các thai phụ nên uống thuốc Bắc ngay và uống liên tục trong 3 tháng đầu của thời kỳ mang thai; đặc biệt với những người có tiền sử sảy thai, thai chết lưu thì càng lưu ý điểm này. Ở tháng 7, tháng 8 trước sinh, thai phụ cũng nên uống thuốc Bắc. Nếu kiểm tra xương thai thấy có dấu hiệu nhỏ hơn bình thường cũng nên uống cả 3 tháng cuối. Với 3 tháng giữa, thai phụ nên ăn, uống, ngủ, nghỉ và tập thể dục đều đặn. Nếu có nhu cầu uống cũng nên uống với liều lượng giảm hơn so với các thời kỳ khác như 1 tháng uống 1 tuần. Thường thì tuỳ vào cơ địa của từng người, thầy thuốc sẽ gia giảm thêm một số vị như quy thân, hoàng kỳ vào bài thuốc cho thai phụ, nhưng chủ yếu vẫn là các vị như thục tốt, hoài sơn (củ mài), cam thảo, đỗ trọng, đại táo… có tác dụng bổ huyết, bổ khí cho thai phụ.
BS Khánh nói: “Nhiều phụ nữ băn khoăn có nên uống thuốc Bắc trong thời kỳ mang thai hay không. Chúng tôi khẳng định là nên. Tuy nhiên, bốc thuốc ở đâu và uống như thế nào cũng là một vấn đề. Nhiều bệnh nhân đến với chúng tôi vẫn đặt những nghi ngại rằng: Thuốc y học cổ truyền phần lớn là các dược liệu chưa tinh chế. Một số vị thuốc trong đó có thể chứa nhiều hoạt chất. Không thể biết được trong mỗi thang thuốc gọi là “dưỡng thai” đó có những hoạt chất gì và có an toàn cho thai nhi hay không? Uống thuốc Bắc thì khi sinh, da em bé có bị đen, nhăn nheo(?!). Hay vấn đề vệ sinh khi chế biến, phơi phóng thuốc?… Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với những lo lắng rất thường tình này. Bởi nếu thuốc rửa không hết các tạp chất, thậm chí có cơ sở Đông y dùng diêm sinh để sấy khô, nếu cơ thể không thích ứng có thể gây ra những phản ứng như buồn nôn, đi ngoài, bứt rứt khó chịu, thậm chí có thể ngất xỉu.
“Cùng một vị thuốc nhưng công dụng có khi rất khác nhau. Ví dụ, cũng là vị toàn qui (hay còn gọi là đương qui) nhưng có các loại quy khác nhau như: Qui đầu (một phần ở phía đầu), qui vĩ (phần cuối), qui thân (phần trừ đầu và cuối). Thai phụ nếu được uống qui thân trong 2- 3 tháng đầu rất tốt. Nhưng nếu dùng qui vĩ (là vị có tính hoạt huyết) lại kích thích tử cung co bóp, có thể gây đau bụng, ra huyết, gây sảy thai. Thêm vào đó, giá cả của 2 vị này rất cách biệt: Qui thân (300.000 đồng/kg), qui vĩ: 70.000 đồng/kg. Nếu thai phụ bốc thuốc ở những nơi không đảm bảo, tham rẻ, hậu quả sẽ khôn lường…”.
Theo BS Khánh, chị em còn sai lầm ở chỗ, nghe nhau mách và cố ăn cho thật nhiều các món ăn như gà tần thuốc Bắc, gà ngải cứu, chim tần, hay các bài thuốc dân gian như cá chép, trứng ngỗng… để tẩm bổ trong thời kỳ mang thai. “Chúng tôi không phủ nhận công dụng của những món ăn đó. Nhưng thực tế cho thấy, bây giờ ở ngoài chợ hay các gánh hàng rong, người bán hàng thường gói các “suất” thuốc Bắc sẵn, thai phụ chỉ việc mua về và nấu theo cách của mình và không đếm xỉa đến sự chỉ dẫn của thầy thuốc. Đây là sự nhầm lẫn tai hại. Cần lưu ý rằng, một bài thuốc gà tần, một chén thuốc Bắc ngâm rượu không phải ai cũng nấu được. Chưa nói đến việc nếu lạm dụng các bài thuốc dân gian này, lúc mắc các chứng bệnh khác, rất dễ bị “nhờn” thuốc” – BS Khánh nói.
Ths.BS Đỗ Thanh Hà- Trưởng khoa Phụ – Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho rằng: Thuốc Đông y cũng giống như thuốc Tây y, không phải tuyệt đối an toàn. Nếu dùng không đúng cách, bốc thuốc tại những nơi không đảm bảo vệ sinh, có thể gây nên những tác dụng không mong muốn như dị ứng, nổi mẩn, rối loạn tiêu hoá, nặng hơn có thể gây đau bụng, băng huyết, có nguy cơ sảy thai… “Chúng tôi xin khẳng định không có cơ sở khoa học nào cho rằng uống thuốc y học cổ truyền khi có thai sinh ra con da sẽ đen như lời đồn thổi bấy lâu nay. Điều này đã được thực tế chứng minh qua nhiều năm các bà mẹ nằm giữ thai tại Khoa Phụ – Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương” – BS Hà nói.
Còn theo BS. Khánh thì không thể có chuyện thai chết lưu, sảy thai hay biến dị hình thể nếu uống thuốc Bắc đúng cách.
Thai phụ nên biết lắng nghe cơ thể mìnhTôi không phủ nhận nhưng cũng không tán dương hoàn toàn các bài thuốc dân gian dành cho phụ nữ mang thai mà bà con ta vẫn thường hay truyền khẩu. Tôi tin là đều có cơ sở. Tuy nhiên, không phải vì thế mà bà mẹ mang thai “vô tư” ăn một cách “vô tội vạ”. Cơ chế sinh học của thai phụ “vận hành” theo kiểu “thiếu gì ăn nấy”. Thế nên không thể có một bài thuốc nhất định cho tất cả mọi phụ nữ mang thai. Lời khuyên tốt nhất dành cho các thai phụ là: Hãy lắng nghe cơ thể mình bằng cách khi ăn gì, làm gì, nếu cơ thể đã có dấu hiệu “lên tiếng phản ứng” thì phải dừng ngay lại. Ví dụ: Chị em ta hay sử dụng thục địa, kỳ tử, quy để hầm với gà, với chim bồ câu… Người có tính nhiệt thì không sao, nhưng với người có tính hàn, ăn thục địa sẽ bị khó tiêu, người bứt rứt khó chịu. Không nên vì “niềm tin” và mong muốn con mình sinh ra trắng trẻo, tiếng to mà “nhắm mắt nhắm mũi”, ép mình phải ăn nhiều trứng gà, trứng ngỗng hay bất cứ một thực phẩm nào vượt ngưỡng. GS.TS Trương Việt Bình
(Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam)
|