Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp là do vi khuẩn tả xâm nhập vào cơ thể và đáng lưu ý đây là bệnh rất phổ biến ở trẻ em.
Khi bị tiêu chảy cấp, niêm mạc ruột sẽ bị tổn thương. Cung cấp đầy đủ năng lượng, protein, vitamin và các yếu tố vi lượng đóng vai trò quan trọng đối với trẻ bị tiêu chảy kéo dài, đồng thời có tác dụng thúc đẩy sự phục hồi sớm niêm mạc ruột.
Trong điều trị tiêu chảy cấp điều quan trọng nhất là bù lượng nước và điện giải, chế độ ăn của trẻ. Để bù lượng nước bị mất, hãy cho trẻ uống nước nhiều hơn bình thường bằng dung dịch Oresol, hoặc các dung dịch chế từ thực phẩm như nước cháo muối, nước gạo rang, nước cà rốt + muối, nước chuối, hồng xiêm… Riêng đối với trường hợp bị mất nước nhiều thì cần được điều trị tại cơ sở y tế.
Trong thời gian bị tiêu chảy cấp, quá trình hấp thu thức ăn của trẻ có giảm hơn bình thường, nhưng vẫn hấp thu qua ruột 60%, do vậy vẫn cần cho trẻ ăn đủ khẩu phần, tránh để bị sụt cân dẫn đến suy dinh dưỡng. Các thực phẩm nên dùng khi trẻ bị tiêu chảy là bột gạo, khoai tây, thịt gà nạc, thịt lợn nạc, cá nạc, sữa đậu tương, sữa chua, sữa có ít hoặc không có lactoza, dầu thực vật, cà rốt, hồng xiêm, chuối, táo.
Với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi: Tiếp tục cho bú bình thường và tăng số lần bú để trẻ tiêu chảy ít hơn, nhanh khỏi hơn. Trường hợp không có sữa mẹ thì cho trẻ ăn các loại sữa không có đường lactose, hoặc các loại sữa đã lên men như sữa chua (loại dành cho trẻ dưới 6 tháng tuổi) hoặc sữa đậu tương.
Trẻ trên 6 tháng tuổi: Ngoài sữa mẹ và sữa thay thế, cần cho trẻ ăn thêm nhiều lần và từng ít một các thức ăn giàu chất dinh dưỡng như thịt nạc, cá, trứng, sữa… và cho thêm một ít dầu, mỡ để tăng thêm năng lượng của khẩu phần. Thực phẩm chế biến dưới dạng cháo, súp, cho ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh giảm nguy cơ bội nhiễm. Ngoài ra, bạn có thể cho trẻ ăn thêm quả chín hoặc nước quả như chuối, cam, xoài, đu đủ, hồng xiêm… để tăng thêm lượng Kali, betacaroten, Vitamin C.
Trong thời gian trẻ bị tiêu chảy cấp, các bà mẹ tuyệt đối không cho trẻ uống các loại nước giải khát công nghiệp, không cho ăn các loại thức ăn có chứa nhiều đường vì những thức ăn này có thể làm tăng tiêu chảy. Tránh dùng các loại thực phẩm có nhiều xơ hoặc ít chất dinh dưỡng (măng, rau cần, tinh bột nguyên hạt khó tiêu hóa)… Sau khi khỏi tiêu chảy, để giúp cho trẻ hồi phục nhanh và tránh suy dinh dưỡng, bạn cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày 1 bữa trong 2 tuần liền.