Rắn cắn, cò mổ, ong đốt, té ao… là những hiểm nguy rình rập khi hè về, trẻ được tự do vui chơi. Thời gian này là lúc cha mẹ phải kỹ lưỡng hơn trong việc trông coi trẻ. Đừng để niềm vui mùa hè biến thành tai họa, thậm chí tang tóc, chỉ vì bất cẩn trong một phút giây!
Mẹ sơ ý, con nhập viện
Trời nóng bức, cháu N.Q.T., tám tuổi được mẹ dẫn đi bơi. Trong lúc mẹ đi vệ sinh, cháu T. bị ngạt nước trong hồ bơi. May mà cháu được đưa đến BV Nhi Đồng 2 cấp cứu kịp thời và đã được cứu sống. BS Đoàn Thị Ngọc Diệp, Trưởng khoa Cấp cứu, bức xúc vì đã có những cái chết rất thương tâm của trẻ do sự bất cẩn của người lớn. BV từng tiếp nhận một bé gái bị chúi đầu vào xô nước khi mẹ đang lau nhà, nhập viện trễ, nên giờ phải sống đời thực vật.
Mỗi năm, hai BV nhi ở TP.HCM tiếp nhận điều trị khoảng 60-100 trường hợp bị rắn cắn, ong đốt, ngạt nước. Trong đó, 50% số ca bệnh là xảy ra trong mùa hè. Hầu hết là những ca nặng, được chuyển lên từ vùng ven hoặc các tỉnh lân cận. Tại BV Mắt TP.HCM, mỗi năm cũng có khoảng 20 bệnh nhi đến điều trị do ong chích, chim, cò mổ vào mắt. Nhiều trường hợp BS phải múc bỏ mắt. Mới đây nhất là trường hợp của bé trai P.T. chín tuổi, vừa thi học kỳ xong, phụ mẹ bẫy cò bán cho các quán nhậu, đã bị cò mổ vào mắt trái. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng mắt sưng to, đầy mủ trong nội nhãn. BS Võ Thị Chinh Nga, Trưởng khoa Mắt nhi, BV Mắt TP.HCM, cho biết, mắt của bé T. đã bị mù vĩnh viễn. Nếu muốn bé đỡ mặc cảm, chỉ còn cách đeo mắt giả suốt đời.
Bé P.T. mù vĩnh viễn chỉ vì bắt một con cò
Theo BS Vũ Anh Lê, Trưởng khoa Chấn thương, BV Mắt TP.HCM, nếu bị chim cò mổ, nhẹ nhất cũng bị thủng tròng đen, nặng hơn là vỡ nhãn cầu, vỡ thủy tinh thể, tổn thương mạng mạch máu thần kinh mắt… dẫn đến mù mắt. Nhiều trường hợp nhập viện trễ, mắt nhiễm trùng, mủ lan rộng trong nội nhãn, gây đau nhức, buộc phải múc bỏ mắt. Còn với những bệnh nhân bị ong chích, nọc độc của ong cũng như hóa chất văng vào mắt, nếu không cấp cứu kịp, mắt vẫn có khả năng bị mù.
Sơ cứu sai
Nguy hiểm là vậy, nhưng hầu hết bệnh nhi không được sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng trước khi nhập viện. BS Bạch Văn Cam, cố vấn khối Hồi sức cấp cứu, BV Nhi Đồng 1, khuyến cáo, sai lầm nhất là người nhà tự điều trị cho trẻ bằng những kinh nghiệm dân gian chưa được kiểm chứng.
Nhiều trẻ bị rắn cắn, người nhà đã tìm lá rừng, cây cỏ nơi rắn cắn đắp vào vết thương hoặc tìm cách hút nọc rắn ra. Những cách làm này dễ khiến vết thương mất máu, nhiễm trùng, hoại tử; từ đó kéo dài thời gian điều trị, khiến thuốc kháng nọc rắn mất hiệu quả, việc điều trị khó khăn hơn. Đặc biệt, rắn hổ gây liệt hô hấp, ngưng thở và tử vong chỉ sau vài phút; rắn lục đuôi đỏ, rắn chàm quạp gây xuất huyết toàn thân, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não chỉ vài giờ sau khi cắn. Với những bài thuốc Nam, thuốc Đông y… việc chữa lành vết thương thường là sự trùng hợp may mắn vì những trường hợp đó không phải do rắn độc cắn. Thực tế, có đến khoảng 3/4 bệnh nhân bị rắn cắn đều không có nọc độc, ít độc.
Với trường hợp ngạt nước, trẻ thường bị ngưng thở và ngay thời điểm đó, trẻ chỉ có thể sống được thêm 3-5 phút. Nếu không giúp trẻ thở lại kịp thời, não sẽ thiếu oxy, khiến trẻ tử vong hoặc tàn phế suốt đời. Thế nhưng, khi xảy ra tai nạn ngạt nước, người nhà chỉ chú tâm vào việc xóc nước, hơ trẻ trên lửa hoặc chở ngay trẻ đến BV mà quên mất việc hà hơi thổi ngạt.
Riêng với những trẻ bị ong đốt, người nhà lại cho uống nước đường để trừ độc. Hoặc khi ong ruồi (ong mật) đốt, người nhà lại nghĩ đó là loại ít độc nên không cần theo dõi diễn biến bệnh sau đó. BV Nhi Đồng 1 từng cấp cứu một bé trai ba tuổi (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) bị sốc phản vệ sau nửa giờ chỉ vì bị hai con ong ruồi đốt vào cánh tay.
Dạy kỹ năng sống cho trẻ
BS Ngọc Diệp khuyên, trong những ngày nghỉ hè, phụ huynh phải giám sát trẻ chặt chẽ khi đi bơi, đi dã ngoại hay về quê chơi. Không cho trẻ chơi ở các lùm cây, tắm sông suối nơi có dòng nước chảy mạnh, sâu. Thầy cô giáo không nên cho trẻ mạo hiểm khi tổ chức cắm trại. Bản thân trẻ vốn hiếu động, thích khám phá, tò mò, nên trước kỳ nghỉ hè, nhà trường cần dành một tiết học để dạy trẻ kỹ năng sống, cách tự bảo vệ tính mạng trước những hiểm nguy khi vui chơi. Đáng lo nhất là trẻ ở nội thành, nơi có nhiều công trình, nhiều hố sâu ở khu dân cư đang xây dựng… Những nơi này, nếu không được rào chắn kỹ sẽ trở thành những hồ bơi nguy hiểm khi mùa mưa sắp đến. Cha mẹ cũng nên cho trẻ tập bơi ngay từ nhỏ. Các hồ bơi không những dạy bơi mà còn dạy cách cứu người bị nạn. Trẻ phải khởi động trước khi bơi, để tránh vọp bẻ. Với trẻ nhỏ, cha mẹ không nên để trẻ ở nhà một mình, cần đậy kín các vật chứa nước trong nhà như: giếng nước, bồn tắm, thùng nước, chậu nước, bể cá.
Khi trẻ bị ngạt nước, cần hà hơi thổi ngạt ngay khi vừa đưa trẻ lên khỏi mặt nước. Nếu trẻ ngưng thở, phải thổi ngạt miệng qua miệng. Nếu nạn nhân vẫn tím tái, hôn mê là tim đã ngưng đập thì cần ấn tim ngoài lồng ngực vào vùng dưới xương ức. Khi trẻ bị rắn cắn, cố gắng bắt hoặc nhận dạng được loại rắn đã cắn, để các cơ sở y tế, thuận tiện hơn việc điều trị. Giúp nạn nhân bình tĩnh, không cử động, đặt vết thương thấp hơn tim để trì hoãn thời gian nọc độc “tấn công” sâu vào bên trong cơ thể. Sau đó, bồng hoặc khiêng nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Cũng theo BS Cam, khi trẻ bị ong đốt, dù là ong ít độc hay nhiều độc đều có thể gây ra sốc phản vệ, nhất là với những trẻ có cơ địa dị ứng. Khi bị sốc phản vệ, trẻ thường ngất xỉu, tay chân lạnh, khó thở; nếu không được điều trị kịp thời sẽ tử vong ngay. Do đó, ngay sau khi bị ong đốt, cần theo dõi các triệu chứng sốc phản vệ và không nên xoa chỗ đau, vì như vậy vô tình đẩy kim chứa nọc độc vào sâu bên trong. Với ong có độc như ong vò vẽ, nếu đốt trên 10 mũi có thể gây biến chứng suy thận, vỡ hồng cầu sau hai-ba ngày. Khi bị ong vò vẽ đốt trên 10 mũi hoặc chưa tới 10 mũi nhưng có những biến chứng như: nước tiểu ít, nước tiểu màu đen, màu đỏ… cần đưa trẻ đến ngay BV, vì đó là dấu hiệu chứng tỏ nọc độc đã ảnh hưởng đến thận, hồng cầu.