Liên tiếp các vụ bạo hành, ngược đãi trẻ em xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua đã gây bất bình trong dư luận. Không chỉ ở vùng sâu, vùng xa, mà ngay tại các thành phố lớn cũng đang tồn tại những sự việc đau lòng này.
Một điều không thể phủ nhận là, những đứa trẻ bị bạo hành không chỉ đau đớn về thể xác, mà còn bị tổn thương tinh thần, ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ lâu dài. Để bảo vệ trẻ em khỏi nạn bạo hành, cần sự vào cuộc kiên quyết, mạnh mẽ của các cơ quan chức năng và sự chung tay của toàn xã hội.
Không ai có thể quên được cái chết thương tâm của em bé 18 tháng tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh do bị bảo mẫu dán băng keo bịt miệng đến tắt thở; ở Hà Nội, em Nguyễn Thị Bình bị vợ chồng chủ quán phở trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân dùng nhục hình, đánh đập từ lúc 10 tuổi; nhiều trẻ mầm non ở Biên Hòa (Đồng Nai) bị bảo mẫu Quản Thị Kim Hoa tát sưng mặt do không chịu ăn…; và gần đây nhất là trường hợp em Nguyễn Hào Anh (ở huyện Đầm Dơi, Cà Mau) bị vợ chồng chủ ngược đãi, đánh đập hành hạ dã man, khiến dư luận xôn xao, phẫn nộ. Những hành vi bạo lực, ngược đãi trẻ em xuất phát từ phía người lớn, thậm chí ngay từ chính cha mẹ các em đang ngày càng khiến xã hội phải giật mình.
Theo Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Kim Quý, bạo hành đối với trẻ không chỉ là bằng roi vọt mà là mọi hình thức, cả về thể chất và tinh thần, như bị bỏ rơi, không chăm sóc, bạc đãi, lạm dụng tình dục…. Hậu quả của bạo hành trẻ em không nhỏ: có những em chịu thương tổn về thể chất, có em sang chấn tâm lý mạnh phải điều trị lâu dài, có trường hợp bị dồn đến mức hoảng loạn, tự tử bằng thuốc trừ sâu. Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Kim Quý cho rằng: “Bạo hành về thể chất sẽ để lại những đau đớn về thể xác, những chấn thương lớn thì ảnh hướng đến sức khỏe, hình thể xấu. Nhưng nặng nề nhất vẫn là ảnh hưởng về tinh thần, các em sẽ nhìn nhận con người khác đi, dưới con mắt trẻ thơ thì người lớn thật đáng sợ. Nếu như các em không được giúp để vượt qua cú sốc này thì có thể sẽ bị trầm cảm, bị rối nhiễu về tâm lý như: hoảng loạn, không ngủ được, sợ sệt, thu mình…Và đặc biệt, khi các em bị bạo hành, có thể chính các em sẽ bạo hành với bạn bè và người thân sau này của mình.
Theo đánh giá của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), trong 3 năm 2005-2007, tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em ở gia đình tăng gấp 3 lần, ở cộng đồng tăng 7 lần và tại trường học tăng 13 lần.
Có một thực tế đau lòng là, không ít em bị đánh đập trong nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm, nhưng hàng xóm, chính quyền gần như không hay biết.
Nguyên nhân của thực trạng này được lý giải là, nhận thức, hiểu biết về quyền trẻ em còn hạn chế, kể cả ở một số cán bộ, cơ quan chính quyền địa phương; đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở quá mỏng; hệ thống mạng lưới phát hiện, báo cáo, phối hợp phòng chống, ngăn chặn nạn bạo hành trẻ ở địa phương còn nhiều lỗ hổng, yếu kém.
Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Chuyên viên Pháp lý, Hội Luật gia Việt Nam, mặc dù chúng ta đã có luật nhưng việc thi hành còn chưa nghiêm và thiếu sức răn đe. Bà Thảo cho rằng, hành vi ngược đãi trẻ em là vi phạm pháp luật và cần phải xử lý thích đáng, vì trẻ em là đối tượng có khả năng tự vệ kém: “Ngăn chặn nạn hành hạ trẻ em hoặc cố ý gây thương tích cho trẻ em còn phụ thuộc vào tính hiệu quả của cơ quan thực thi pháp luật cũng như việc phổ biến pháp luật có rộng khắp, có đủ sức răn đe hay không. Qua một số vụ thực tế xảy ra vừa qua, theo tôi, một trong những điểm yếu trong việc thực tế pháp luật là sức mạnh chính quyền địa phương không đủ để can thiệp sớm và ngăn chặn hành vi phạm tôi ngay từ đầu. Hiệu quả sức mạnh của chính quyền cơ sở còn khá yếu”.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc Phương, Cục phó Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em – Bộ LĐ-TB-XH, để bảo vệ trẻ khỏi bị bạo hành cần có sự chung tay của toàn xã hội. Trong đó, quan trọng nhất là nhận thức và các biện pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ tại gia đình, cộng đồng; Nâng cao năng lực hệ thống bảo vệ trẻ bằng việc xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, và xây dựng được mạng lưới dự phòng, ngăn chặn hiệu quả nạn bạo hành trẻ em tại địa phương.
Bà Đỗ Thị Ngọc Phương cho biết, hiện nay, Cục Bảo vệ, Chăm sóc Trẻ em đang phối hợp với các tổ chức quốc tế tại Việt Nam thí điểm mô hình Hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng tại 15 tỉnh, thành. Nếu mô hình này được nhân rộng sẽ tạo nên cơ chế thống nhất từ Trung ương tới địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở về cơ chế phát hiện, báo cáo và xử lý những trường hợp trẻ em bị ngược đãi. Bên cạnh đó, theo Chỉ thị 1408, Chính phủ đã đề nghị Bộ LĐ-TB-XH tham mưu và xây dựng sớm Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015. Như vậy, đây sẽ là những giải pháp tích cực, tạo sự đồng bộ trong việc hỗ trợ, chăm sóc trẻ em
Pháp luật, chính quyền và cộng đồng xã hội cần kiên quyết, mạnh mẽ hơn nữa trong việc ngăn chặn nạn bạo hành trẻ em; để không còn những trường hợp đau lòng như em Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Hào Anh…do sự thờ ơ, sự thiếu hiểu biết về pháp luật và cả yếu kém trong nhân cách con người.
Cong Hung đã bình luận
Kêu
cứu
Tôi có một đứa con năm nay 14 tuổi,một đứa bé học rất thông minh. Khi nó
còn nhỏ mẹ nó đã đánh đập nó tàn nhẫn khi không vừa ý một cái gì. Lúc
ấy nó chỉ biết chịu đựng mà thôi. Mẹ nó đã gieo vào nó một hạt giống bạo lực do đó càng ngày nó càng lao vào hành động bạo lực, trộm cắp. vì quan điểm bạo lực của những người chung quanh ăn sâu vào trong đầu nên rất khó nói. khi nó có hành động vi phạm pháp luật thì công an đánh nó, hù dọa nó. vì đầu óc còn non trẻ không hiểu sâu nên nó càng không nghe. Họ mang danh là những người giáo dục nó nhưng họ không có đủ trình độ tâm lí đối với trẻ cho nên khoảng cách của họ và nó càng xa dần. Mẹ nó luôn luôn nói xấu cha nó(là tôi). bây giờ thấy trước đây là tôi thiếu thái độ cương quyết phản bác mọi người. Bây giờ tôi muốn đưa con tôi vào tp Hồ chí minh để cách li chúng bạn cũ, cách li mẹ nó để tôi dễ dàng dạy cháu hơn nhưng chính quyên không đồng tình mà còn hăm dọa nó đưa vào trừng giáo dưỡng. Tôi có đưa bài “Thực trạng bạo hành trẻ em cần những giải pháp cấp bách” một hành động tuy nhỏ nhưng tác hại đối với trẻ rất lớn nhưng họ đều bác bỏ cho đó là lí thuyết. Tôi rất lo lắng một ngày nào đó nó sẽ cang hung bạo hơn có thể giết người hoặc rơi vào trạng thái tâm thần. vậy tôi xin kêu cứu các nhà chuyên môn giúp đỡ.
Xin chân thành cám ơn sự giúp đỡ các bạn.
conghung032@yahoo.com
DT 0949657890 hoặc 01255500194