Mùa hè và những ngày nghỉ háo hức của con trẻ đã đến. Cùng với nắng hè đỏ lửa vui chơi của tuổi học trò, đây cũng là thời điểm tai nạn bỏng ở trẻ tăng cao. Theo các bác sỹ Viện Bỏng quốc gia dự báo, năm nay tình trạng bỏng ở trẻ có xu hướng tăng, nhất là bỏng liên quan đến điện cao thế.
Vào khoa Bỏng trẻ em, Viện Bỏng quốc gia, nhìn những cháu bé cuộn kín, đau đớn trong băng trắng, những gương mặt non nớt đang kêu khóc, hoảng sợ, ai nấy đều phải xót lòng.
Chăm sóc trẻ bị bỏng tại Viện Bỏng quốc gia. |
Bỏng nhiệt ướt, nguy cơ cao ở trẻ dưới 5 tuổi
Nằm viện một tuần nay, cháu Nguyễn Thị Thanh Thúy (16 tháng tuổi) quê ở Lạng Giang, Bắc Giang vẫn khóc thét mỗi khi có người lại gần, cháu đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật, đau đớn với 30% diện tích cơ thể bị bỏng. Mẹ Thúy cho biết, chị sơ ý đặt ca nước sôi ở gần chỗ cháu đang chơi rồi quay đi, cháu với tay lên làm ca nước dội vào ngực, vai, bụng, tay. Cũng vì mẹ lơ là mà cháu Mai Tiến Thành (Thanh Hóa) mới tròn 9 tháng tuổi bị bỏng nặng ở nửa bên ngực và tay, đang chờ được mổ. Tai nạn xảy đến khi cháu Thành ngồi trong chiếc xe tập đi, lao vào phích nước nóng.
TS Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ nhiệm khoa Bỏng trẻ em, Viện Bỏng quốc gia cho biết, trường hợp như 2 cháu Thành và Thúy ở đây rất nhiều. Bỏng do nước sôi nằm trong nhóm tác nhân nhiệt ướt, ở trẻ em chiếm tỷ lệ cao nhất (70-80%). Trẻ bị bỏng nhiệt ướt thường là khi tắm, người lớn để nước sôi, thức ăn nóng trong tầm tay của trẻ.
Ngoài ra, có 4 nhóm tác nhân gây bỏng khác như: Nhiệt khô (liên quan đến lửa) như nổ bếp ga du lịch khi ăn lẩu; nướng mực, cá bằng cồn; hỏa hoạn; bỏng kim loại nóng đỏ như bàn là, bếp điện, bô xe máy… Trẻ bỏng do tác nhân này chiếm 10-20%. Các tác nhân hóa chất, vật lý (axit, tia) chiếm tỷ lệ nhỏ. Tuy nhiên, bỏng do điện giật trước đây chiếm 1-2%, nay có xu thế gia tăng, có thời điểm chiếm tới 6-8% ca bỏng ở trẻ.
Bỏng điện – nỗi đau không chỉ nhất thời
Theo TS Nguyễn Ngọc Tuấn, trẻ bỏng do điện thường tăng cao vào mùa hè vì sử dụng nhiều thiết bị điện. Điện vào cơ thể có sức phá hủy rất lớn, tốc độ phá hủy nhanh, đặc biệt những thành phần như mạch máu, cơ, gây thủng bụng, dạ dày… nên người bị bỏng điện có tỷ lệ tử vong cao. Bị sốc điện làm tim ngừng đập, nếu cứu sống được cũng bị tàn phế nặng nề hơn nhiều so với bỏng khác. Hầu hết các trường hợp bỏng điện cao thế đều phải cắt cụt từ 1 đến 4 chi hoặc cụt hết các ngón.
Hiện tại khoa Bỏng trẻ em, Viện Bỏng quốc gia đang có 4 bệnh nhân bỏng điện, trong đó có 2 ca do điện cao thế. Cháu Đặng Quốc Trường (10 tuổi) ở Yên Mỹ, Hưng Yên đang phải chịu đựng những cơn đau đớn ghê gớm và tàn tật vì điện cao thế. Trường cầm gậy sắt kều bóng bay, bị dòng điện cao thế phóng điện gây bỏng rất nặng (25% cơ thể). Nhập viện non 1 tháng mà đã phải 3 lần mổ, cắt 2 cánh tay, ghép mô. Nhiều bộ phận khác trên người Trường cháy đen, không thể hồi phục.
Chủ động phòng tránh
Trẻ em bị bỏng ở mức nào cũng nguy hiểm bởi vừa đau đớn thể xác, vừa hoảng loạn tinh thần, đặc biệt là để lại di chứng nặng nề suốt đời như mất chân, tay hoặc cơ bị co rút. Dù chữa khỏi vết bỏng thì tâm lý, cảm giác, chức năng sống của trẻ cũng bị biến đổi, phải mất thời gian rất dài để hồi phục. Bên cạnh đó là gánh nặng kinh tế, chỉ riêng cứu sống một ca bỏng điện cao thế thường tốn phí hàng chục triệu đồng. Chưa kể sau đó phải qua nhiều đợt phẫu thuật phục hồi chức năng. Không ít trẻ sau khi được cứu sống phải phẫu thuật thêm cả chục lần nữa mới có thể bình phục. TS Tuấn cho biết, nhiều gia đình nghèo, không có bảo hiểm y tế, phải bán cả nhà cửa để có tiền chữa trị cho con. Điển hình là trường hợp Đặng Văn Tới (16 tuổi) ở Quảng Ninh, đang được điều trị ghép da tại khoa…
Tại Viện Bỏng quốc gia, tỷ lệ trẻ em bị bỏng cao, chiếm 40-60% tổng số người bị bỏng. Lý giải điều này, TS Tuấn cho rằng, cơ thể của trẻ đang phát triển, động tác chưa thuần thục, thiếu chính xác; chưa ý thức về các nguy hiểm xung quanh, cộng với tính tò mò, luôn muốn nhìn, sờ, cầm, nắm… Dù trực tiếp hay gián tiếp thì người lớn cũng là lý do chính dẫn đến những tai nạn bỏng của trẻ với các lỗi chủ quan, lơ là, không trông nom trẻ cẩn thận (đối với các cháu nhỏ dưới 5 tuổi); trẻ lớn hơn, do thiếu hiểu biết về điện nên thường đi câu, thả diều, bắt chim ở nơi có nguồn điện…
Các bậc phụ huynh cần luôn cảnh giác với các tác nhân gây bỏng, nhắc nhở con trẻ tránh xa đường điện cao thế khi mưa bão, độ ẩm cao, đừng để trẻ thiệt thòi chỉ vì người lớn bất cẩn.
Sơ cứu khi trẻ bị bỏng * Bước 1: Bình tĩnh, nhanh chóng tách khỏi tác nhân gây bỏng và thực hiện các thao tác cần thiết:- Nếu hỏa hoạn phải mở cửa thoát hiểm, dấp ướt quần, áo, tóc, khẩu trang. Nếu quần áo trên người đang cháy phải lăn qua lại để dập tắt lửa. – Bỏng điện, nạn nhân ngừng thở, ngừng tim, phải hà hơi thổi ngạt, ép tim cho đến khi tỉnh lại; nếu có dấu hiệu bị tổn thương phần xương phải cố định người trên ván cứng, nhất là phần đầu, cổ bằng cách nẹp, chèn gối rồi mới đưa đi cấp cứu. * Bước 2: Ngâm rửa nước sạch, tốt nhất là dưới vòi nước, nước giếng hoặc nước mưa (giúp cho nhiệt độ dưới da hạ thấp, giúp giảm đau, giảm phản ứng viêm nề, giảm thoát dịch huyết tương); ủ ấm các phần khác (mùa đông). Che phủ tạm thời vết bỏng và cho trẻ uống nước, bú mẹ (với trẻ nhỏ còn bú mẹ). Trong mọi trường hợp bỏng đều phải đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. |