Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng, oi bức, cộng với việc cắt điện sinh hoạt triền miên trên diện rộng đã khiến nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc phải nhập viện để điều trị.
Điều này đã khiến cho nhiều người dân có con nhỏ lo ngại. Chỉ tính riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, từ đầu tháng 4 đến nay đã khám và điều trị cho trên 2.000 bệnh nhi, trung bình mỗi ngày có gần 80 trẻ đến khám và điều trị, tăng 20 trẻ so với những ngày của tháng thời tiết bình thường và dễ chịu trước đó.
Khoa Nhi của bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện có 75 giường bệnh, nhưng trung bình có khoảng 100 bệnh nhân điều trị nội trú. Trẻ em đến đây điều trị thường mắc một số bệnh liên quan đến sự thay đổi của thời tiết như viêm mũi họng, viêm phế quản, tiêu chảy cấp, dị ứng không rõ nguyên nhân, sốt vi rút, ho…Theo các bác sĩ khoa Nhi, thời tiết lúc giao mùa từ xuân sang hè như hiện nay tác động rất lớn đến sức khỏe của trẻ do sức đề kháng trẻ yếu kém. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng nông thôn thường xuyên bị cắt điện trên diện rộng cũng ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Việc khai thác nước ở các giếng khơi, giếng khoan để dùng cho gia đình cũng gặp khó khăn khi mất điện…
Theo lời khuyên của các y, bác sỹ, biện pháp phòng bệnh tốt nhất trong mùa hè nắng nóng là không cho trẻ chơi ngoài trời, không cho tắm ao hồ. Chú ý khi trẻ có biểu hiện bệnh phải đưa đến các cơ sở y tế kịp thời, không nên tự mua thuốc điều trị cho trẻ; không quá lạm dụng điều hoà nhiệt độ vì trong phòng điều hoà nhiệt độ có sự chênh lệch rất lớn với thời tiết bên ngoài, điều này không tốt đối với trẻ nhỏ vì cơ thể trẻ sức đề kháng kém. Nên để điều hoà nhiệt độ khoảng từ 25 – 27o C. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống của trẻ trong mùa hè cũng rất quan trọng, các bậc phụ huynh cần vệ sinh dụng cụ đựng đồ ăn, uống trước khi cho trẻ sử dụng; đảm bảo cho trẻ ăn, uống đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết và cung cấp đầy đủ lượng nước để tránh hiện tượng mất nước trong cơ thể. Mỗi gia đình nên áp dụng bốn biện pháp để phòng chống bệnh như: Diệt muỗi, loăng quăng, vệ sinh cá nhân và nhà ở, phải ăn thức ăn được nấu chín kỹ, khai thác và xử lý nguồn nước đảm bảo vệ sinh để sử dụng…